Suy thận là vấn đề sức khỏe ngày càng trở nên phổ biến. Không thể chẩn đoán chính xác triệu chứng suy thận nếu chỉ căn cứ vào các biểu hiện lâm sàng. Tiến hành một số xét nghiệm đánh giá chức năng thận là điều cần thiết. Vậy cần thực hiện những xét nghiệm gì để biết có đang bị suy thận hay không? Cách đọc các chỉ số xét nghiệm suy thận như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Suy thận là gì?

Thận có chức năng lọc máu, bài tiết nước tiểu và thực hiện một số chức năng nội tiết, cân bằng nội môi. Suy thận là tình trạng thận bị tổn thương, mất dần chức năng, khiến chất độc và nước dư thừa tích tụ trong cơ thể. Nếu không chữa trị, thận sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn và có khả năng gây tử vong.

Cần thực hiện xét nghiệm gì để biết suy thận?

Suy thận giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ rệt. Xét nghiệm là cách duy nhất để biết thận đang làm việc như thế nào. Đặc biệt, xét nghiệm suy thận nên được tiến hành nếu bạn có các yếu tố nguy cơ cao như tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim,... Vậy cần thực hiện xét nghiệm gì để biết suy thận? Theo giới chuyên gia, bạn sẽ được đánh giá chức năng thận qua các xét nghiệm:

Xét nghiệm máu

- Độ lọc cầu thận (GFR): Đây là phương pháp đo lưu lượng máu lọc qua cầu thận trong một đơn vị thời gian. Giá trị bình thường đối với GFR là ≥ 90. GFR < 60 là dấu hiệu cho thấy thận đang bị giảm chức năng. GFR < 15 cho thấy bạn đã bị suy thận giai đoạn cuối và cần phải điều trị lọc máu hoặc ghép thận.

- Creatinin huyết thanh: Thông thường, nếu nồng độ creatinin > 1,2 đối với phụ nữ và > 1,4 đối với nam giới thì có thể là dấu hiệu thận đang bị suy giảm chức năng. Bệnh thận ngày càng nặng thì nồng độ creatinin ngày càng tăng.

- Cystatin C: Xét nghiệm này có giá trị tương đương xét nghiệm creatinin huyết tương và độ thanh thải của creatinin.

- Xét nghiệm ure máu (BUN): Nồng độ BUN bình thường là từ 7 - 20. Khi chức năng thận suy giảm, nồng độ BUN sẽ tăng.

Xét nghiệm hình ảnh

- CT scan có cản quang: Được sử dụng để tìm ra những bất thường về cấu trúc và sự hiện diện của các vật gây nghẽn dòng nước tiểu.

- Siêu âm: Được sử dụng để tìm ra những bất thường về kích thước hay vị trí của thận, phát hiện được các vật gây tắc nghẽn dòng nước tiểu như sỏi hoặc khối u.

Sinh thiết thận

Sinh thiết có thể được thực hiện để:

- Chẩn đoán tiến trình phát triển của bệnh thận và xác định xem nó có đáp ứng được với các phương pháp điều trị hay không;

- Đánh giá mức độ tổn hại đã xảy ra ở thận;

- Tìm nguyên nhân tại sao thận ghép vào không hoạt động tốt.

Xét nghiệm nước tiểu

- Điện di nước tiểu: Xét nghiệm này giúp phân biệt được viêm cầu thận cấp hay protein niệu do tổn thương ống thận và giúp xác định, phân loại các protein nước tiểu.

- Tổng phân tích nước tiểu, chẩn đoán protein niệu: Giúp phát hiện một loạt rối loạn về thận và đường tiết niệu bao gồm các vấn đề như: Bệnh thận mạn tính, tiểu đường, nhiễm trùng bàng quang và sỏi thận.

- Xét nghiệm hệ số thanh thải của creatinine: Xét nghiệm này dùng để tính ra thể tích máu được lọc sạch creatinin trong một đơn vị thời gian.

Ngoài ra, bạn có thể được chỉ định tiến hành một số xét nghiệm khác như: Xét nghiệm microalbumin, xét nghiệm định lượng β – M huyết thanh, xét nghiệm myoglobin,… để đánh giá chức năng thận, phát hiện sớm suy thận và ngăn ngừa biến chứng. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phòng ngừa suy thận hiệu quả?