Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, những người bị tăng huyết áp, suy thận, viêm cầu thận, mỡ máu cao, thừa cân béo phì và đái tháo đường cần đặc biệt chú trọng đến việc ăn uống.

Người đái tháo đường không nên ăn sinh tố hoa quả
Để kiểm soát tốt glucose máu, giảm thiểu các biến chứng của bệnh đái tháo đường, ngoài việc phải kiểm soát cân nặng, vận động thể lực thường xuyên và theo dõi diễn biến glucose trong máu, người bị bệnh này cần có một chế độ ăn sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI).

Theo đó, những thực phẩm mà người đái tháo đường nên dùng là hoa quả gồm: xoài, mận, chuối, táo, anh đào, nho và nước táo không đường. Nhóm rau củ gồm: khoai lang, cà rốt, khoai sọ, củ từ và sắn.
Người đái tháo đường không nên ăn nhiều đường ngọt, tinh bột vì những chất này dễ làm tăng glucose máu; không nên ăn các loại bánh kẹo ngọt, chocolate, quả ngọt khô, quả ngọt ngâm đường, mứt hoa quả, các loại nước uống có đường mật, nước uống đóng lon, chai sẵn.
Người bị đái tháo đường có thể ăn hoa quả chín (80-100g/lần x 2-3 lần/ngày), nhưng phải giảm lượng cơm đi. Khi ăn quả chín nên ăn ở dạng miếng, không nên ăn ở dạng xay sinh tố vì làm cho đường hấp thụ nhanh hơn.
Các bệnh về thận không nên ăn chuối tiêu
Với những người bị suy thận, viêm cầu thận nếu xét nghiệm có kali trong máu cao, thì không nên ăn chuối tiêu và các loại rau quả nói chung vì các loại thực phẩm này chứa nhiều muối kali. Nếu ăn nhiều chuối tiêu, nhiều rau quả sẽ làm nồng độ kali trong máu tăng, dẫn đến tình trạng bệnh càng nặng hơn.

Theo bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam năm 2000, hàm lượng kali (trong 100g thực phẩm ăn được) của đậu tương (đậu nành) có nồng độ cao nhất. Tiếp theo, hàm lượng kali có trong thực phẩm theo chiều giảm dần gồm đậu xanh, sầu riêng, lá lốt, cùi dừa già, cá ngừ, vừng, rau khoai lang, măng chua, cá thu, rau dền đỏ, rau ngót, khoai sọ, gan lợn, lạc, rau đay, củ cải, cá chép, khoai tây, rau mồng tơi, rau bí, bầu dục lợn, thịt bò, bí ngô.

Vì vậy, người bị suy thận, viêm cầu thận có kali trong máu cao nên chiểu theo bảng thành phần dinh dưỡng này để lựa chọn loại thức ăn an toàn cho sức khoẻ.
Người bị tăng huyết áp nên ăn nhạt
Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, người dân vùng bắc Nhật Bản trước đây có tập quán ăn rất mặn; trung bình từ 25-30g muối / người / ngày có tỷ lệ tăng huyết áp đến 40%, ngược lại ở miền nam Nhật Bản, người dân chỉ ăn khoảng 10g muối/ngày, thì tỷ lệ tăng huyết áp chỉ khoảng 20%.

Người dân Eskimoo và vài bộ lạc ở châu Phi ăn rất ít muối, thì hầu như không có người bị tăng huyết áp. Ở Việt Nam, kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng cho thấy ở Nghệ An, Thừa Thiên Huế, người dân trung bình ăn 13-14g muối/ngày, thì tỷ lệ tăng huyết áp gần 18%, nhưng ở Hà Nội tỷ lệ này chỉ có gần 11% vì người Hà Nội ăn trung bình 9g muối/ngày.
Như vậy, một chế độ ăn điều trị tăng huyết áp là chế độ ăn nhạt, giàu rau và quả. Những thực phẩm mà người tăng huyết áp nên hạn chế ăn là: tất cả các loại thịt gia cầm đóng hộp, hun khói, sấy khô và muối; các loại cá hun khói, đóng hộp, patê cá và các món ăn từ cá chế biến sẵn; các sản phẩm chế biến từ sữa như phomát, bơ và các loại mắm dạng đóng chai, viên súp, thức ăn phụ, mì ăn liền, bánh mặn.
Người mỡ máu cao không nên ăn nội tạng động vật
Phủ tạng động vật rất nguy hiểm đối với những người mắc chứng bệnh mỡ máu cao, người thừa cân-béo phì, vì thực phẩm này có chứa rất nhiều cholesterol.

Cholesterol là chất gây nên tình trạng rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, hoặc nhồi máu cơ tim. Hàm lượng cholesterol trong 100g thực phẩm ăn được nhiều nhất là lòng đỏ trứng gà; tiếp theo là trứng gà (cả lòng trắng, lòng đỏ), gan gà, phomát, bầu dục lợn, gan lợn, bơ, tôm đồng, tim lợn, dạ dày bò, thịt vịt, thịt ngựa, cá chép, mỡ lợn, thịt bò hộp, cá trích hộp. Hàm lượng cholesterol thấp nhất có ở kẹo cam chanh, sữa chua vàsữa bò tươi.