Chào bạn, đái dưỡng chấp là bệnh lý của hệ tiết niệu do có rò lưu thông từ hệ bạch mạch đổ vào bể thận, nguyên nhân gây bệnh có thể do bẩm sinh, do chấn thương hoặc do nhiễm ký sinh trùng giun chỉ.
Dưỡng chấp có thành phần chính là lipid bao gồm triglyceride, phospholipids và cholesterol tự do. Bệnh do giun chỉ loại Wuchereria Bancrofti hoặc dị tật bẩm sinh, u trung thất, sau chấn thương làm tắc nghẽn đường bạch mạch gây nên. Bệnh có triệu chứng chính là nước tiểu trắng, đục như sữa trong thể đái dưỡng chấp đơn thuần. Nếu nước tiểu vừa đục vừa hồng thuộc thể đái máu và dưỡng chấp, bệnh sẽ diễn biến mạn tính, gây suy kiệt, thiểu dưỡng.
Hiện nay, điều trị bệnh đái dưỡng chấp có các phương pháp điều trị nội khoa, điều trị phẫu thuật tùy theo giai đoạn bệnh. Về thuốc điều trị bao gồm:
- Thuốc diệt ký sinh trùng Diethylcarbamazin (DEC) với các biệt dược như banocide, carizide, difil…
Cần thử mẫn cảm với liều 25mg trước khi dùng tổng liều.
Không dùng thuốc DEC khi có tăng huyết áp, suy thận và phụ nữ có thai hoặc cho con bú.
- Thuốc chống bội nhiễm với kháng sinh nhóm beta lactam hoặc quinolon tùy từng người bệnh.
- Thuốc bồi dưỡng và nâng cao thể trạng với omega 3, moriamin, thực phẩm chức năng, truyền dung dịch triglyceride chuỗi ngắn và trung bình.
- Bơm rửa bể thận bằng dung dịch nitrat bạc 0,5% được thực hiện do thầy thuốc niệu khoa tiến hành theo 2 cách: soi bàng quang, đưa ống thông vào niệu quản, bể thận; chọc kim qua da vào bể thận theo hướng dẫn của siêu âm.
Ngoài điều trị nội khoa có thể điều trị bằng phẫu thuật ngoại khoa. Tùy theo kinh nghiệm của từng cơ sở y tế, từng phẫu thuật viên để chọn các phương pháp mổ như tạo cầu nối nhóm ống mạch bạch huyết trên và dưới cuống thận; cắt bỏ chọn lọc ống bạch mạch bị rò; cắt bỏ phần còn lại sau bộc lộ riêng biệt niệu quản, tĩnh mạch thận, động mạch thận.
Chúc bạn sức khỏe!
Chuyên viên thận tiết niệu