Xin chào bác sĩ, Chị gái tôi bị suy thận độ 2 vào cuối năm 2013, đến nay đã được gần 2 năm và đã điều trị 6 tháng tại bệnh viện. Hiện nay chị gái tôi đang có bầu 5 tháng, người cũng không được khỏe lắm. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi là trong quá trình mang thai, sản phụ mắc suy thận mạn tính phải kiểm soát bệnh thế nào? Sau khi sinh con, đến thời gian cho con bú,chị gái tôi cần phải làm gì để bệnh không nặng lên?
Trả lời:

Chào bạn, chị gái bạn đã được chẩn đoán là suy thận độ 2, chưa phải giai đoạn nặng từ trước lúc mang bầu nhưng tôi không rõ là do nguyên nhân gì (do mắc các bệnh về thận như viêm cầu thận, sỏi thận hay tăng huyết áp, đái tháo đường,… Cũng có thể đây là chẩn đoán mang tính chất định hướng, chị gái bạn có nồng độ creatinin cao, có nguy cơ mắc suy thận, để chị gái bạn có biện pháp phòng ngừa , chứ chưa chắc đã là bệnh suy thận.

Chị gái bạn cần biết, trong thời kỳ mang bầu, kích thước tử cung trở nên lớn hơn gấp nhiều lần gây chèn ép các niệu quản, từ đó dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng ngược dòng, ứ nước do đó phụ nữ mang thai dễ bị viêm thận- bể thận, gây suy giảm chức năng thận. Vì vậy, trong trường hợp này người ta gọi là bệnh thận của người mang thai và chức năng thận cần được theo dõi suốt quá trình mang thai.

Suy thận độ 2 không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình mang thai của chị gái bạn nhưng chị gái bạn cần bám sát sự tư vấn của bác sĩ sản khoa và bác sĩ thận tiết niệu, đồng thời đi kiểm tra đánh giá chức năng thận thường xuyên. Đồng thời, việc thiết lập một chế độ dinh dưỡng hợp lý là cần thiết: tuy mang thai nhưng không nên ăn nhiều chất đạm, nên hạn chế muối, thực phẩm giàu kali, phosphor,…

Chuyên viên Thận Tiết niệu