Tôi bị hồng cầu niệu 3 cộng đã gần 4 năm nay, tôi đã đi khám tại bệnh viện Bạch Mai và điều trị 3 lần. Khám và điều trị tại bệnh viện đại học y 2 lần nhưng vẫn không giảm chút nào. Các chỉ tiêu khác trong phân tích máu và nước tiểu đều bình thường. Tôi cảm thấy chán nản vô cùng. huyết áp của tôi tăng 190/105, người rất mệt mỏi, khó thở. Có cách nào để chữa khỏi bệnh, xin các bác sỹ tư vấn Trân trọng cảm ơn !
Trả lời:

Chào bạn !

Thận tuy bé nhưng lại gắn chặt với huyết áp là vì thận nhận khoảng 25% lưu lượng máu từ tim ra. Với một lưu lượng máu cỡ đại như vậy thì chuyện bất thường gây ra cho thận và sự phản hồi ngược trở lại hệ tim mạch là điều đương nhiên.

Về mặt tác động của tăng huyết áp, người ta thấy rõ ràng là huyết áp gia tăng đã gây ra tổn thương cho thận, nhiều khi đó là những tổn thương không thể phục hồi. Nhẹ nhất là xuất hiện protein trong nước tiểu dạng vi thể mà người ta hay gọi là albumin niệu vi thể. Thông thường màng lọc cầu thận không bao giờ để lọt những thành phần này ra khỏi máu.

Nhưng trong tăng huyết áp, thận đã bị tổn thương màng lọc và để lọt những thành phần không thể để mất. Sự tác động tiếp theo của tăng huyết áp đó là xơ vữa động mạch thận. Một bằng chứng rõ ràng nhất của hiện tượng này là người ta thấy động mạch thận lâu dần bị xơ chai và hẹp dần lại. Nếu con số huyết áp của bạn nằm trong khoảng 180mmHg thì nguy cơ hẹp mạch máu thận sẽ tăng dần theo thời gian.

Nhưng ngược trở lại, người ta cũng thấy, chính thận cũng có thể tác động lên huyết áp. Chỉ một thay đổi nhỏ trong chức năng thận cũng sẽ đủ làm cho huyết áp biến động. Đầu tiên là sự hẹp động mạch thận, đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tăng huyết áp do thận và tăng huyết áp thứ phát. Hàng loạt những biến đổi bệnh lý ở thận đều thấy có sự gia tăng huyết áp. Trong bảng triệu chứng như viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư, suy thận đều có tăng huyết áp.
Và trong điều trị những bệnh này người ta không bao giờ quên kiểm soát huyết áp.

Tình trạng hồng cậu niệu là trong nước tiểu chứa máu: nguyên nhân có thể kể đến: Các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc dị ứng, bể thận viêm, cầu thận viêm, viêm đường niệu,  nhiễm khuẩn bàng quang, sỏi thận, sỏi niệu đạo, ung thư tuyến tiền liệt, bàng quang hay thận - bệnh lý ở thận v.v...

Với tình trạng của bạn cần đi khám lại, xác nhận rõ nguyên nhân gây hồng cầu niệu đều điều trị nguyên nhân gây bệnh, và giữ mức huyết áp ổn định.

Do chức năng thận của bạn đang bị ảnh hưởng, việc sinh hoạt hàng ngày cũng như chế độ ăn uống cũng cần khoa học, và nên tham khảo ý kiến của BS. 

Chúc bạn sức khỏe !

Chuyên viên thận tiết niệu