em thường xuyên tđi tiểu, buổi sáng ra nước tiểu thường vàng, đặc và có hiện tượng đau buốt khi đi tiểu. Nhưng trong ngày em uống nhiều nước, nước tiểu trong và tình trạng trên cũng không còn. Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần, như vậy đường tiểu của em có vấn đề gì không?
Trả lời:

Chào bạn!

Buổi sáng sau khi ngủ đậy bạn đi tiểu ra nước tiểu thường vàng, đặc nhưng trong ngày uống nhiều nước, nước tiểu trong cũng là bình thường bởi vì trong quá tình ngủ không có lượng nước đưa vào cơ thể nên lượng nước tiểu thải ra ít, màu nước tiểu đậm hơn so với ban ngày.  Thông thường hiện tượng đau buốt khi đi tiểu là biểu hiện của viêm đường tiết niệu, hoặc thói quen uống quá ít nước trong ngày.

Nếu chỉ bị viêm đường tiết niệu thông thường thì điều trị không khó khăn lắm và có thể khỏi hoàn toàn. Triệu chứng thường gặp là đái rắt (nghĩa là đái nhiều lần trong ngày, có thể 4-5 lần nhưng cũng có thể 10-20 lần, nhưng mỗi lần chỉ có rất ít nước tiểu) và đái buốt, thường buốt ở miệng sáo hoặc vùng tầng sinh môn vào cuối bãi. Trường hợp của bạn, nếu loại trừ các trường hợp viêm đường tiết niệu do các vi khuẩn đặc hiệu, thì nhiều khả năng là viêm đường tiết niệu cấp tính do vi khuẩn thông thường, bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng cách uống nhiều nước, khoảng hai lít mỗi ngày, để làm tăng lượng nước tiểu giúp thải vi khuẩn ra khỏi đường niệu. Cũng có thể uống nước sắc râu ngô, bông mã đề, rễ cỏ tranh, tua rễ đa, nước rau cải... là các chất gây lợi tiểu nhẹ. Nếu viêm đường tiết niệu chỉ ở mức độ nhẹ (đi tiểu 5 lần một ngày, ít buốt, mới bị 1-2 ngày) có thể chỉ uống nhiều nước cũng khỏi được. 

Vì lỗ niệu đạo rất gần hậu môn, nên các vi khuẩn từ đường tiêu hóa dễ xâm nhập vào niệu đạo. Niệu đạo phụ nữ ngắn và thẳng hơn nam giới, nên vi khuẩn dễ xâm nhập hơn, vì thế hay gặp viêm đường tiết niệu ở phụ nữ hơn là nam giới. Để đề phòng bệnh, cần giữ vệ sinh vùng sinh dục và tầng sinh môn (đoạn giữa hậu môn và cơ quan sinh dục) bằng cách rửa bằng xà phòng mỗi ngày một lần. Với phụ nữ, khi rửa nên phun nước từ phía trước ra phía sau, đồng thời cần uống đủ nước theo nhu cầu hằng ngày. Nếu không đỡ, bạn nên đi khám tại chuyên khoa thận- tiết niệu để được điều trị hợp lý nhất.

Chúc bạn sức khỏe!

Chuyên viên thận tiết niệu