Nếu bạn đang tìm cách kiểm soát để mình không bị sỏi thận thì điều quan trọng là phải chú ý đến chế độ ăn uống. Các chuyên gia cho biết, chế độ ăn uống hàng ngày có tác động rất lớn trong việc hình thành sỏi thận. Có một số thực phẩm góp phần gia tăng nguy cơ hình thành sỏi thận mà bạn cần tránh. Đó là những loại thực phẩm nào? Xem ngay lời giải đáp trong bài viết dưới đây!

Sỏi thận là gì?

Sỏi thận chính là hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng ở thận, lâu ngày kết tinh. Sỏi thận có thể làm tắc nghẽn đường tiểu hay khi chúng tồn đọng lâu ngày sẽ gây viêm nhiễm. Lâu dần, tình trạng này khiến đường tiểu bị xơ hóa, gây nên các lỗ rò ở bàng quang, niệu quản, dẫn đến suy thận. Sỏi thận có nhiều kích thước khác nhau từ nhỏ đến lớn. Khi mới hình thành, sỏi thận không gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Sỏi thận càng lớn sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng, ảnh hưởng tới sức khỏe. Một số dấu hiệu sỏi thận thường gặp đó là:

Tiểu nhiều

Triệu chứng cảnh báo sớm và phổ biến nhất của bệnh sỏi thận là tăng tần suất đi tiểu hàng ngày. Người bệnh luôn cảm thấy mót tiểu dù không uống nhiều nước, lượng nước tiểu mỗi lần rất ít.

Đau, rát khi đi tiểu

Khi sỏi thận di chuyển xuống điểm nối giữa thận – niệu quản, bàng quang và niệu đạo, nó có thể gây đau, rát khi tiểu. Cơn đau có thể rõ rệt nhưng đôi lúc lại âm ỉ, khó nhận biết. Triệu chứng này càng gia tăng khi sỏi gây viêm đường tiết niệu.

Đau vùng mạn sườn – thắt lưng

Mức độ đau còn phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh. Nếu ở giai đoạn đầu, cảm giác đau nhẹ hơn, khi bệnh càng nặng thì sẽ đau nhiều. Nam giới bị sỏi thận có thể cảm thấy đau ở tinh hoàn và bìu.

Sốt cao, ớn lạnh

Đây là triệu chứng cảnh báo biến chứng nhiễm khuẩn tại thận hoặc niệu quản, bàng quang,…

Buồn nôn và nôn

Trong một số trường hợp sẽ có biểu hiện buồn nôn và nôn do các cơn đau sỏi thận gây ra dẫn đến tình trạng này.

Bạn dễ bị sỏi thận “ghé thăm” nếu tiêu thụ những thực phẩm này

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bệnh sỏi thận khởi phát, nhưng yếu tố nguy cơ lớn nhất chính là từ chế độ ăn uống và lối sống sinh hoạt hàng ngày. Do đó, nếu không muốn bị sỏi thận, bạn hãy cẩn trọng khi ăn những thực phẩm có chứa nhiều chất làm suy giảm chức năng thận hoặc làm tăng thêm các yếu tố hình thành nên sỏi. Dưới đây là những thực phẩm hàng đầu gây sỏi thận bạn cần tránh:

Thực phẩm giàu oxalate

Tiêu thụ lượng lớn thực phẩm giàu oxalate có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận. Bởi oxalate tích tụ nhiều trong nước tiểu, kết hợp với canxi sẽ hình thành sỏi canxi oxalat. Theo đó, các loại thực phẩm giàu oxalate nên hạn chế sử dụng là: Rau chân vịt, đậu bắp, củ dền, cải xoăn, sữa đậu nành,…

Protein động vật

Nguồn protein dồi dào từ thịt bò, thịt lợn, thịt gà,… có thể làm tăng lượng acid uric trong nước tiểu, tạo sỏi uric – loại sỏi phổ biến thứ 2, chỉ xếp sau sỏi canxi oxalat. Ngoài ra, ăn quá nhiều thịt cũng làm tăng độ acid của nước tiểu, khiến sỏi dễ hình thành và phát triển nhanh hơn. Do vậy, đây là nhóm thực phẩm mà bạn cần hết sức lưu ý. Chỉ ăn thịt cá với lượng 0,8 gram/1kg thể trọng, nghĩa là nếu bạn nặng 60 kg thì chỉ nên ăn khoảng 48 gram thịt cá mỗi ngày.

Đường

Nếu có nguy cơ hoặc đang mắc bệnh sỏi thận, bạn sẽ được khuyên nên hạn chế thức ăn và đồ uống nhiều đường, đặc biệt là fructose. Bởi lẽ, chúng làm tăng nồng độ canxi, oxalat, acid uric trong nước tiểu, đồng thời khiến chức năng thận thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho sỏi thận hình thành. Lượng đường chỉ nên dùng khoảng 1 – 2 thìa cà phê mỗi ngày.

Đồ uống có ga

Thường xuyên sử dụng đồ uống có ga, chẳng hạn như soda, đồ uống năng lượng và một số loại nước ép đóng chai cũng làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Một nghiên cứu năm 2007 chỉ ra rằng, đồ uống có ga chứa axit photphoric dễ gây ra những thay đổi trong hệ tiết niệu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận.

Thực phẩm chứa nhiều muối

Nồng độ natri cao sẽ làm tăng hàm lượng canxi trong nước tiểu, khiến chúng ta dễ bị sỏi thận. Đây cũng là lý do những người có thói quen ăn mặn tiềm ẩn nguy cơ mắc sỏi thận cao gấp nhiều lần. Bạn cần chú ý kiểm soát hàm lượng muối trong các món ăn hàng ngày và hạn chế thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ đông lạnh chứa nhiều muối như: Cá biển, xúc xích, lạp sườn, dưa muối, kim chi,…

Cần làm gì để ngăn ngừa sỏi thận hiệu quả?

Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn để tránh bị sỏi thận “làm phiền”:

Uống đủ nước

Thiếu nước là nguyên nhân hàng đầu gây sỏi thận. Bởi lúc này, nước tiểu sẽ bị cô đặc, các khoáng chất kết lại thành tinh thể cứng trong thận. Bạn nên uống tối thiểu 2 lít nước/ngày, trong đó, một nửa nên là nước tinh khiết, còn lại có thể bổ sung bằng cách uống nước canh, nước ép hoa quả,…

Tăng cường nhiều rau củ quả

Đây là nguồn bổ sung vitamin, khoáng chất và chất xơ rất tốt giúp giảm các bệnh lý về đường tiêu hóa, gián tiếp ngăn ngừa sỏi thận. Đặc biệt, bạn nên ăn nhiều các loại trái cây như cam, chanh, có chứa citrate để ức chế kết tinh sỏi thận.

Cắt giảm lượng protein động vật

Thịt đỏ, nội tạng và động vật có vỏ thường chứa nhiều purin. Hàm lượng cao purin làm tăng chuyển hóa và bài tiết acid uric, khiến nước tiểu bị acid hóa, tăng nguy cơ sỏi acid uric. Do đó, một trong những cách phòng ngừa sỏi thận là cắt giảm lượng thịt động vật. 

Ăn nhạt hơn

Đây là cách phòng ngừa sỏi thận rất hiệu quả bởi quá nhiều natri sẽ gây giữ nước và ức chế tái hấp thu canxi ở thận, làm tăng nồng độ canxi tự do trong nước tiểu, tăng nguy cơ sỏi thận. Bạn không nên ăn quá 2,3g muối mỗi ngày (tương đương 1 muỗng cà phê) và hạn chế các thực phẩm đóng hộp hoặc đồ ăn chế biến sẵn.

Tăng cường vận động thể thao

Thói quen ít vận động, ngồi lâu một tư thế, thừa cân, kích thước vòng eo quá cỡ sẽ tạo áp lực lớn trên thận, làm tăng nguy cơ sỏi thận. Do đó, bạn nên tập luyện thể thao hàng ngày như đi bộ, đạp xe, bơi lội,… để phòng ngừa sỏi thận và kiểm soát cân nặng, nâng cao sức khỏe.

Không nhịn tiểu

Nước tiểu nếu bị giữ lại quá lâu trong bàng quang thường dễ kết tinh, tạo thành sỏi. Do đó, bạn không nên nhịn mà cần đi tiểu ngay và làm rỗng bàng quang hoàn toàn sau mỗi lần đi tiểu.