Những người khi được bác sĩ kết luận bị suy thận cần thiết phải chuẩn bị một số kiến thức tốt nhất để kiểm soát bệnh không tiến triển nhanh đến giai đoạn muộn, phải chạy thận. Sau đây là một số cách điều chỉnh về dinh dưỡng cũng như sinh hoạt để kiểm soát bệnh một cách tích cực.
Cần phải kiểm soát lượng nước và muối khi bị suy thận
Bệnh nhân suy thận cần phải tuân theo một chế độ hạn chế muối để kiểm soát dịch trong cơ thể, thậm chí khi bị phù ở giai đoạn nặng có thể phải dùng thuốc lợi tiểu. Điều này để giúp ngăn chặn tình trạng quá tải, tích tụ chất lỏng trong cơ thể gây ra các triệu chứng khó chịu như phù hoặc khó thở. Việc kiểm soát lượng đạm ăn vào cũng là để giảm gánh nặng của thận, kiểm soát là ăn ở mức độ vừa phải, khi bệnh nhân quá kiêng khem có thể cũng gây thiếu năng lượng cho cơ thể.
Kiểm soát huyết áp để bảo vệ chức năng thận
Hầu hết các bệnh nhân suy thận khi bị tăng huyết áp phải uống thuốc để kiểm soát huyết áp. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tăng huyết áp gây tổn thương chức năng của thận, và suy thận làm tăng nguy cơ phù, huyết áp tăng thêm, vì vậy việc kiểm soát suy thận phải đi đôi với kiểm soát huyết áp, ngoài ra còn tốt cho tim và các mạch máu ở những nơi khác trong cơ thể. Các thuốc nhóm ức chế men chuyển thương được lựa chọn cho các bệnh nhân suy thận để hạ huyết áp.
Cần khắc phục và phòng ngừa thiếu máu khi bị suy thận
Suy thận thường gây ra tình trạng thiếu máu, nguyên nhân là do sự thiếu hụt của một hormone gọi là erythropoietin (EPO). EPO được sản xuất tại thận để kích thích sản xuất tế bào hồng cầu từ tủy xương. Sự thiếu hụt hormon này dẫn đến thiếu máu. Do vậy, ngay từ khi mới biết suy thận, cần phải dự phòng thiếu máu, thường thì tình trạng thiếu máu có thể được cải thiện và phòng ngừa bằng cách bổ sung sắt. Thậm chí nhiều người suy thận giai đoạn muộn vẫn có thể bị thiếu máu ngay cả khi bổ sung sắt. Do vậy, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định liệu trình tiêm thuốc chống thiếu máu tĩnh mạch. Điều này được tiến hành tại bệnh viện.
Cần dự phòng loãng xương khi suy thận
Với các bệnh nhân bị suy thận ở giai đoạn muôn, các bệnh về xương có thể sẽ trở nên nghiêm trọng, người bệnh cảm thấy đau nhức, đau và thậm chí dễ bị gãy xương, biến dạng xương. Nguyên nhân là do trong bệnh suy thận mạn thường nồng độ canxi trong máu thấp và nồng độ phosphate cao. Sự mất cân bằng này cần phải được điều trị, hoặc có thể do cơ thể sản xuất quá mức hormone tuyến cận giáp, điều này gây ra loãng xương, tiến triển lâu dài gây ra đau nhức, biến dạng. Do vậy bác sĩ cần phải kê cho bệnh nhân suy thận dùng thêm các thuốc như calcitriol, chất kết dính phosphate để phòng ngừa.
Kiểm soát chế độ ăn phù hợp
Khi còn đang ở giai đoạn đầu của suy thận, chế độ ăn hạn chế lượng muối, và không ăn quá nhiều protein được chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên áp dụng. Đến giai đoạn sau (giai đoạn cuối), nhất là khi phải chạy thận, bệnh nhân được yêu cầu tuân thủ theo chế độ ăn uống đặc biệt, thực đơn của bác sĩ, để kiểm soát lượng protein, muối, kali, phosphate. Việc tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng là rất quan trọng.
Kiểm soát acid trong máu
Trong bệnh suy thận, do thận không thể bài tiết các chất thải acid bình thường của cơ thể, vì thế những người suy thận thường bị tích tụ quá nhiều acid trong máu (toan hoá máu) và phải uống thuốc bicarbonate để trung hòa lượng acid dư thừa.
Ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch, đột quỵ
Người bị suy thận thường bị nguy cơ cao mắc các bệnh lý về tim, đột quỵ và các vấn đề với việc lưu thông máu. Một điều rất quan trọng là người bệnh cần cai thuốc lá nếu đang nghiện thuốc vì điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Ngay từ khi biết mình thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh suy thận như tiểu đường, tăng huyết áp, sỏi thận,… hay khi đã mắc suy thận, bạn nên sử dụng các sản phẩm tốt cho sức khỏe của thận.