Theo thống kê của Hiệp hội phòng ngừa suy thận thế giới, 6,73% dân số Việt Nam mắc suy thận, trong đó: suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu là 72.000 người, nhưng chỉ 10% bệnh nhân được lọc máu, còn lại 90% tử vong.

PGS.TS Nguyễn Nguyên Khôi, Nguyên trưởng Trung tâm Thận nhân tạo, BV Bạch Mai cho biết: đa số bệnh nhân suy thận được phát hiện muộn, có tới 67% bệnh nhân đến bệnh viện phải lọc máu ngay; trong khi 50% bệnh nhân bị chẩn đoán sai, nhiều biến chứng, điều trị rất tốn kém và làm rút ngắn đời sống của người bệnh.

Việc chẩn đoán suy thận mạn chủ yếu dựa vào hai tiêu chuẩn: mức lọc cầu thận giảm và nồng độ creatinin trong máu tăng. Suy thận ở giai đoạn đầu thường rất ít triệu chứng. Khi đã có dấu hiệu như: buồn nôn, nôn, biếng ăn, mệt mỏi, phù thũng tay chân, cao huyết áp, rối loạn đi tiểu, tiểu ra máu... thì có thể bệnh đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn 4 và 5). Nếu không được điều trị tốt, người mắc bệnh thận sẽ đứng trước nguy cơ tử vong.

Các nguyên nhân tử vong do suy thận bao gồm: tăng huyết áp (huyết áp tăng tối đa vượt quá 220 mmHg; tai biến mạch máu não; nhồi máu cơ tim xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi, dẫn đến sốc tim, rối loạn nhịp, rối loạn dẫn truyền, suy tim cấp tính, phù phổi...; suy tim mạn tính không hồi phục; xuất huyết tiêu hoá; nhiễm khuẩn; tăng kali máu; nhiễm toan chuyển hoá; tràn máu màng tim.

Khi đã suy thận ở giai đoạn cuối, chức năng lọc của thận suy giảm hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn. Lúc này, việc chỉ định điều trị thay thế thận là bắt buộc. Về điều trị nội khoa, cần cải thiện các triệu chứng của suy thận mạn, thực hiện chế độ ăn hạn chế đạm. Lọc máu ngoài thận là phương pháp loại bỏ các chất độc trong thận. Ghép thận là phương thức điều trị tốt nhất cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Tuy nhiên, việc tìm được người cho thận là rất khó khăn với chi phí ghép đắt đỏ.