Theo các chuyên gia, suy thận mạn đang có chiều hướng gia tăng, đây là căn bệnh vô cùng hiểm nghèo và điều trị rất tốn kém. Vì vậy việc phòng ngừa, phát hiện sớm sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc làm chậm tiến trình suy thận, giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Theo thống kê năm 2010, nước ta có khoảng 8 triệu người bị suy thận, trong đó 80.000 người đã chuyển sang giai đoạn cuối. Con số này cho thấy, suy thận mạn không chỉ là vấn đề nhức nhối của ngành y tế mà đã trở thành “vấn nạn” đối với xã hội. Khi suy thận chuyển sang giai đoạn cuối thì chỉ còn phương pháp chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để kéo dài sự sống cho người bệnh, nhưng chi phí rất tốn kém.
Một điều hết sức nguy hiểm là triệu chứng của suy thận có thể chỉ xuất hiện khi chức năng thận còn lại 1/10 so với mức bình thường. Người bệnh có dấu hiệu mệt mỏi, tiểu nhiều, sưng phù, nôn ói, xét nghiệm thấy tăng urê, creatinin huyết và protein niệu,... biến chứng viêm màng ngoài tim, suy tim, sung huyết, thiếu máu,…
Suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận diễn ra rất chậm, âm ỉ, ngày càng nặng và không thể hồi phục. Nguyên nhân gồm: tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, viêm cầu thận mạn,… Đặc biệt, theo kết quả khảo sát của bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân bị dị ứng do lạm dụng thuốc kháng sinh, chống viêm đã tăng từ 7-8 lần trong 15 năm qua - điều này cũng tỷ lệ thuận với việc gia tăng bệnh nhân bị suy thận. Tuy nhiên, kiến thức của người dân về căn bệnh này rất hạn chế, tại nhiều bệnh viện, hầu hết bệnh nhân nhập viện khi suy thận đã ở giai đoạn cuối.
Trong điều trị suy thận, nếu nguyên nhân gây bệnh do tăng huyết áp, đái tháo đường,… thì phải khống chế các bệnh này và dùng thuốc để làm chậm tiến triển của suy thận. Đặc biệt, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi suy thận chuyển sang giai đoạn cuối, bệnh nhân phải lọc máu để loại bỏ các chất độc hại. Máy chạy thận nhân tạo sẽ lấy máu từ tĩnh mạch để lọc, sau đó trả lại cho cơ thể. Mỗi lần lọc khoảng 4 giờ, tối đa 3 lần/tuần.