Bệnh thận đa nang là gì?

Thận đa nang là tình trạng phần lớn các nhu mô thận trở thành các nang có chứa dịch, kích thước nang có thể to hoặc nhỏ ở vùng vỏ và tủy thận. Các nang này làm cho 2 thận to lên, kích thước không đều nhau và trọng lượng mỗi thận có thể lên tới trên 1 kg. Bệnh được cho là có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính. Bệnh chia ra làm 2 loại là:

+ Thận đa nang ở người lớn: Là bệnh lý thường gặp hiện nay, được phát hiện ở người có độ tuổi từ 30 – 40 với biểu hiện thận to, nhiều nang ở 2 bên và dễ dẫn đến suy thận.

+ Thận đa nang ở trẻ em: Thường ít gặp, nhưng nếu mắc phải bệnh này sẽ có tiên lượng xấu và rất khó điều trị.

Nguyên nhân gây thận đa nang được cho là do vấn đề về gen. Với các trường hợp bất thường nhiễm sắc thể trội, khi bố mẹ được chẩn đoán mắc bệnh thận đa nang thì con sinh ra cũng có nguy cơ cao mắc phải (khoảng trên 50%). Với các trường hợp bất thường ở nhiễm sắc thể lặn, khi bố mẹ được kết luận có gen gây bệnh thì nguy cơ đứa trẻ sinh ra mắc phải bệnh này vào khoảng 25%.

Thận đa nang có những triệu chứng gì?

Bệnh thận đa nang thường không có biểu hiện cụ thể. Các nang thận tiến triển thầm lặng, không được phát hiện cho đến khi gây những biến chứng như: Suy thận, tăng huyết áp,... và một số trường hợp được tình cờ biết đến khi đi khám sức khỏe định kỳ. Các triệu chứng muộn của thận đa nang bao gồm:

+ Đau sau lưng, bên hông hay có các cơn đau quặn thận cấp do sỏi, chảy máu bên trong nang. 

+ Cảm giác tức bụng, khó chịu do thận to gây chèn ép.

+ Thiểu niệu hoặc vô niệu, cũng có thể gặp phải tình trạng đái ra máu.

+ Tăng huyết áp.

+ Nhức đầu.

+ Da dễ bị bầm tím và nhợt nhạt.

+ Cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi.

Bệnh thận đa nang có nguy hiểm không?

Bệnh thận đa nang có nguy hiểm không? Đây là thắc mắc được rất nhiều bệnh nhân và người nhà đặt ra. Thận đa nang là một trong những bệnh lý có tính chất di truyền, tuy không gây ra nhiều đau đớn nhưng dễ gây biến chứng nguy hiểm tiềm ẩn. Các biến chứng của thận đa nang có thể kể đến như:

+ Suy giảm chức năng thận: Đa số các trường hợp mắc bệnh thận đa nang nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng.

+ Tăng huyết áp: Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm, bởi nó có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác liên quan đến tim mạch.

+ Phình động mạch trong não: Đây là tình trạng có thể gây đột quỵ. Nguy cơ gặp phải bệnh lý này cao hơn ở người có tiền sử gia đình mắc bệnh lý tim mạch hoặc huyết áp không được kiểm soát. 

+ Với phụ nữ mang thai khi mắc bệnh thận đa nang sẽ đứng trước nguy cơ tiền sản giật, ảnh hưởng đến tính mạng của sản phụ.

+ Nhiễm trùng thận: Đây là một trong những biến chứng thường thấy nhất của bệnh thận đa nang. Biến chứng này xảy ra khi thận phình to và dẫn đến đau đớn cho người bệnh. Khi đó, vi khuẩn theo đường ngược dòng tới thận và gây nhiễm trùng.

+ Phát triển thành các u nang ở thận có thể sẽ bị di chuyển sang gan.

Những phương pháp điều trị bệnh thận đa nang 

Mục đích điều trị thận đa nang chủ yếu là cải thiện các triệu chứng của bệnh. Hiện nay, chưa có biện pháp điều trị khỏi hẳn bệnh lý này, việc chọc hút dịch nang hoặc cắt bỏ thận đa nang chỉ là những chỉ định cá biệt.

+ Điều trị các triệu chứng đau bằng thuốc giảm đau, với những nang to có thể chọc hút dịch.

+ Điều trị nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh.

+ Điều trị sỏi thận, tiết niệu.

+ Điều trị suy thận.

+ Hỗ trợ điều trị tăng cường chức năng thận.

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người mắc thận đa nang cần có những thay đổi về lối sống và chế độ sinh hoạt hợp lý để bệnh được cải thiện hiệu quả, cụ thể:

Chế độ ăn uống hợp lý

+ Bổ sung những loại thực phẩm có hàm lượng kali thấp như: Dâu tây, việt quất, táo, bông cải xanh,…

+ Hạn chế những thực phẩm giàu kali như: Chuối, bơ, nho khô, mận,…

+ Thực hiện chế độ ăn ít muối, hạn chế sử dụng rượu, bia.

+ Uống nước vừa phải, có thể uống sữa nhưng không nên tiêu thụ nhiều.

Thay đổi lối sống

+ Dành 30 phút mỗi ngày để luyện tập các bài tập thể dục, thể thao nhẹ nhàng sẽ giúp bạn giảm căng thẳng, giữ được huyết áp và cân nặng ổn định.

+ Nên ngủ đủ giấc 8 tiếng/ngày để thể chất và tinh thần luôn thoải mái.

+ Luôn giữ cho mình tâm trạng vui vẻ, giảm căng thẳng sẽ giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn.

+ Từ bỏ việc hút thuốc lá ngay lập tức, vì nó sẽ làm cho huyết áp của bạn tăng cao, khiến thận bị tổn thương nghiêm trọng hơn.