Trong số các vấn đề về thận như suy thận, sỏi thận,… thì bệnh thận IgA khá hiếm gặp. Vì thế, thông tin về triệu chứng, cách điều trị cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh thận IgA đang còn khá xa lạ. Vậy nên, chúng tôi sẽ tổng hợp tất cả thông tin cần thiết và giải đáp thắc mắc của bạn đọc về căn bệnh này trong bài viết dưới đây.

Bệnh thận IgA là gì?

Bệnh thận IgA (bệnh Berger) xảy ra khi kháng thể có tên immunoglobulin A (IgA) tích tụ quá nhiều trong cầu thận. Chính sự lắng đọng phức hợp này dẫn đến tình trạng viêm cục bộ, dần dần làm khả năng lọc chất thải của thận bị suy giảm. Bệnh thận IgA là dạng thường gặp nhất của viêm cầu thận. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường khởi phát trong độ tuổi từ 10 đến 30 và xuất hiện nhiều ở người da trắng và châu Á hơn người da đen. Nguy cơ trên nam giới cao gấp 2 đến 6 lần so với phụ nữ. 

Nghiên cứu của McGrogan A và cộng sự năm 2011 về “Tỷ lệ viêm cầu thận nguyên phát trên toàn thế giới” cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh viêm cầu thận IgA trên tổng dân số là 2,5/100.000 người. Ước tính, tỷ lệ mắc bệnh thận IgA ở Mỹ là 5%, ở Nam Âu và Úc trong khoảng từ 10 đến 20%, ở châu Á cao nhất khoảng từ 30 đến 40%.

benh-than-iga-xay-ra-khi-iga-lang-dong-o-cau-than.webp

Bệnh thận IgA xảy ra khi IgA lắng đọng ở cầu thận

Nguyên nhân gây ra bệnh thận IgA 

IgA là phức hợp kháng thể có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch thông qua tấn công mầm bệnh xâm nhập và ngăn chặn nhiễm trùng. Nhưng trong trường hợp cơ thể mắc bệnh thận IgA, kháng thể này tập trung ở phần cầu thận, gây viêm cầu thận và làm giảm khả năng lọc máu.

Các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng tích tụ, lắng đọng phức hợp miễn dịch IgA trong thận. Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho rằng các lý do sau có thể liên quan đến việc mắc bệnh này:

  • Do gen di truyền: Bệnh thường tập trung trong nhiều thành viên ở cùng một gia đình. Vì vậy, có thể gen hoặc các yếu tố di truyền cũng liên quan đến cơ chế sinh bệnh.
  • Mắc các bệnh về gan: Xơ gan, viêm gan B và C mạn tính có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh thận IgA.
  • Mắc bệnh Celiac: Tình trạng rối loạn tiêu hóa do ăn nhiều protein gluten - protein có trong ngũ cốc gọi là bệnh Celiac cũng được xếp vào một trong những nguyên nhân có khả năng gây ra bệnh thận IgA.
  • Mắc các bệnh nhiễm trùng: HIV và các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể gây bệnh thận IgA.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh thận IgA

Những biểu hiện lâm sàng khi mắc bệnh viêm cầu thận IgA bao gồm:

  • Tiểu ra máu đại thể: Mắt thường có thể nhận thấy màu nước tiểu đỏ như máu hoặc hồng như nước rửa thịt. Tiểu ra máu đại thể thường xuất hiện khoảng từ 1 - 2 ngày sau khi có tổn thương cầu thận. 
  • Đau thắt lưng và có sốt nhẹ trong giai đoạn cấp tính.
  • Đau bên hông, nước tiểu xuất hiện bọt, tay chân có dấu hiệu sưng phù hoặc bị tăng huyết áp.

dau-hong-la-trieu-chung-cua-benh-than-iga.webp

Đau hông là triệu chứng của bệnh thận IgA

>>>XEM THÊM: Đi tiểu ra máu là bệnh gì?

Biểu hiện lâm sàng của bệnh thận IgA thay đổi ở từng người bệnh. Nhiều người chỉ xảy ra tình trạng tiểu ra máu vi thể lành tính, nhưng một số khác lại có biểu hiện viêm cầu thận rất rầm rộ và tiến triển nhanh chóng dẫn đến suy thận. Có trường hợp khi phát hiện đã chuyển sang suy thận mạn ở giai đoạn 3 trở lên. 

Bệnh thận IgA ở trẻ em khởi phát bằng triệu chứng tiểu ra máu đại thể, tức là mắt thường có thể nhìn thấy được sau một đợt mắc viêm ruột hoặc viêm đường hô hấp trên. Ở những người lớn tuổi, bệnh thận IgA khởi phát bằng các triệu chứng như tiểu đạm, tiểu máu vi thể không triệu chứng hoặc chỉ tăng huyết áp.

Đối tượng nào dễ mắc bệnh thận IgA?

Nguyên nhân mắc bệnh thận IgA hiện giờ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Vì thế, việc đưa ra các đối tượng dễ mắc bệnh thận cũng chỉ dựa trên các nghiên cứu dịch tễ của bệnh. 

Bệnh thận IgA xuất hiện phổ biến ở người da trắng, châu Mỹ, châu Á hơn người da đen châu Phi. Bệnh thận IgA cũng thường phát triển nhất ở độ tuổi thanh thiếu niên, khoảng hơn 10 tuổi hoặc những người tầm 30 tuổi. Gia đình đã có thành viên mắc bệnh thận IgA làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý này.

Bệnh thận IgA có nguy hiểm không?

Bệnh thận IgA là một trong những nguyên do quan trọng nhất dẫn đến suy thận mạn. Tiên lượng bệnh thận IgA phụ thuộc vào 3 yếu tố như:

  • Protein niệu > 1g/ngày.
  • Tăng huyết áp khó kiểm soát.
  • Mức độ tổn thương ở cầu thận, ống thận và các mô kẽ trên sinh thiết thận có tiến triển.

Càng có nhiều yếu tố nguy cơ, sự tiến triển từ bệnh thận IgA thành bệnh thận mạn tính và khả năng mất chức năng thận càng cao hơn. 

Do các dấu hiệu mắc viêm cầu thận IgA thường khá nghèo nàn, dễ nhầm lẫn nên người bệnh có thể bỏ qua, không đi khám.

benh-than-iga-gay-ra-nhieu-bien-chung-nguy-hiem-cho-nguoi-benh.webp

Bệnh thận IgA gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh

Bệnh thận IgA nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho cơ thể, dẫn đến mắc thêm các bệnh khác như:

  • Huyết áp cao: Thận gặp vấn đề do lắng đọng, tích tụ IgA sẽ làm tăng huyết áp. Khi huyết áp cao lại càng gây thêm tổn thương cho thận.
  • Cholesterol tăng cao: Người mắc bệnh thận IgA lâu dài có thể gây tăng cholesterol, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch.
  • Suy thận cấp: Khi thận lắng đọng nhiều IgA thể mất dần khả năng lọc, dẫn đến suy thận cấp, làm chất thải tích tụ nhiều trong máu gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm.
  • Bệnh thận mạn tính: Mắc bệnh thận IgA lâu dài có thể khiến cho thận suy giảm chức năng trầm trọng. Từ đó, người bệnh chỉ có thể dựa vào việc lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Chẩn đoán bệnh thận IgA

Bệnh thận IgA được chẩn đoán qua xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và sinh thiết thận.

  • Xét nghiệm nước tiểu sẽ cho biết tình trạng tiểu ra máu vi thể, hồng cầu bị biến dạng, sự có mặt của trụ hồng cầu. Điển hình là hiện tượng microalbumin ( < 1g/ngày), có thể không kèm theo tiểu ra máu.
  • Xét nghiệm máu để biết được hàm lượng protein, cholesterol và chất thải trong máu.
  • Sinh thiết thận sẽ cho thấy sự tích tụ kháng thể IgA và bổ thể C3 khi nhuộm miễn dịch huỳnh quang, sự giãn rộng của khoang gian mạch và sự tăng sinh các tổn thương, hoại tử. 

chan-doan-benh-than-iga-thong-qua-trieu-chung-lam-sang-dau-that-lung.webp

Chẩn đoán bệnh thận IgA thông qua triệu chứng lâm sàng đau thắt lưng

Thế nhưng, sự lắng đọng IgA gian mạch không đặc hiệu và có thể xuất hiện ở nhiều bệnh khác như xơ gan, viêm ruột, bệnh vẩy nến, HIV, ung thư phổi, viêm mạch IgA,… Trong đó, viêm mạch IgA có đặc trưng cơ bản là lắng đọng IgA ở cầu thận nên nhiều suy đoán cho rằng, đây là biểu hiện toàn thân của bệnh viêm cầu thận IgA. Nhưng có thể phân biệt bệnh thận IgA với viêm mạch IgA thông qua triệu chứng lâm sàng. Người bệnh viêm mạch IgA ngoài tiểu ra máu, sẽ xuất hiện ban xuất huyết, đau bụng và đau khớp.

Thực hiện xét nghiệm miễn dịch huyết thanh khác được cho rằng không cần thiết trong chẩn đoán bệnh thận IgA.

Điều trị bệnh thận IgA

Bệnh thận IgA được điều trị thông qua phác đồ dùng thuốc kết hợp với sử dụng sản phẩm bảo vệ thận và chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý.

Bệnh thận IgA có chữa khỏi được không?

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh thận IgA. Các phương pháp điều trị chủ yếu nhằm làm chậm quá trình tổn thương thận, ngăn ngừa khả năng biến chứng xảy ra. Đáp ứng thuốc cũng thay đổi ở từng người bệnh, một số thuyên giảm hoàn toàn, một số vẫn sống bình thường với tình trạng protein trong máu thấp và có protein niệu.

Phác đồ điều trị bệnh thận IgA

Tùy vào tình trạng và mức độ tổn thương thận ở từng người bệnh, chuyên gia y tế sẽ có liệu trình điều trị phù hợp. Các thuốc được dùng để điều trị bệnh thận IgA bao gồm:

  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II hoặc thuốc ức chế men chuyển: Thường chỉ định khi nồng độ creatinin huyết thanh > 1,2 mg/dL, albumin niệu đại thể hoặc protein niệu > 300mg/ngày với mục tiêu duy trì protein niệu thấp hơn 500mg/ngày.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Được sử dụng nhiều nhất là corticoid giúp kiểm soát các phản ứng miễn dịch của cơ thể, từ đó giảm quá trình viêm cầu thận. Thuốc được chỉ định khi bệnh tiến triển nhanh, tổn thương tăng sinh, viêm cầu thận phát triển mạnh. Riêng với corticoid do có nhiều tác dụng phụ nên chỉ được chỉ định trong trường hợp protein niệu tăng liên tục ( >1g/ngày) hoặc nồng độ creatinin huyết thanh tăng cao nhiều hơn mức 1,2mg/dL.
  • Acid béo không bão hòa omega-3 được dùng trong điều trị bệnh thận IgA mặc dù dữ liệu về hiệu quả chưa được rõ ràng, còn nhiều tranh cãi.

Ghép thận được chỉ định khi thận không thể thực hiện được chức năng vốn có. Khả năng tái phát bệnh rơi vào khoảng dưới 15% số người thực hiện ghép thận.

phac-do-dieu-tri-benh-than-iga-gom-acei-corticosteroid.webp

Phác đồ điều trị bệnh thận IgA gồm ACEI, corticosteroid…

Ở người xơ hóa thận nặng, tránh dùng liệu pháp thuốc ức chế miễn dịch do tổn thương không thể tự phục hồi được. Ở người bệnh được ghép thận, không có thuốc ngăn ngừa tổn thương tái phát.

Thảo dược hỗ trợ điều hòa miễn dịch, bổ thận

Bên cạnh các liệu pháp điều trị trên, người bệnh nên kết hợp sử dụng các thảo dược có tác dụng hỗ trợ điều hòa miễn dịch, bổ thận, ngăn ngừa xơ hóa thận như dành dành, linh chi đỏ, đan sâm, trầm hương, mã đề,...

  • Dành dành là thảo dược được công bố trong nghiên cứu của tác giả Xiaobo Li và cộng sự (2017) với tác dụng ức chế dịch chuyển biểu mô, trung mô, hỗ trợ ngăn chặn quá trình xơ hóa thận tiến triển. Dành dành trong đông y còn được sử dụng trong các bài thuốc trị tiểu ra máu, chảy máu cam…
  • Linh chi đỏ, đan sâm có tác dụng chống viêm, thúc đẩy máu tới thận, giảm biểu hiện viêm cầu thận.
  • Trầm hương có khả năng giảm xơ hóa các tế bào ở trung bì thận.
  • Bạch phục linh và mã đề có tác dụng lợi tiểu, giúp cải thiện rối loạn lipid máu, giảm tích lũy natri, kali trong máu.

cac-thao-duoc-ho-tro-bo-than-bao-gom-danh-danh-linh-chi-do-dan-sam.webp

Các thảo dược hỗ trợ bổ thận bao gồm dành dành, linh chi đỏ, đan sâm…

>>>XEM THÊM: Nghiên cứu về dành dành trong bệnh lý về thận

Chế độ ăn cho người bệnh thận IgA

Người mắc bệnh thận IgA cần bổ sung thực phẩm giàu năng lượng, tăng cường sức đề kháng và tránh các thực phẩm làm triệu chứng nặng nề thêm.

Bị bệnh thận IgA nên ăn gì?

Người bị bệnh thận IgA nên ăn nhạt, chọn các thức ăn có lượng protein thấp, cụ thể như:

  • Ưu tiên ăn cá hơn ăn thịt đỏ.
  • Ăn thực phẩm lượng protein thấp như hoa quả nhiều chất xơ.
  • Ăn khoai lang, khoai sọ, miến dong, mật ong,… (chất bột đường) thay vì gạo hay mì ống.
  • Ăn thực phẩm có tác dụng lợi tiểu như bí đao, mướp,…
  • Ăn các loại chất béo không no như bơ, đậu phộng, dầu ô liu,...

Bị bệnh thận IgA nên kiêng gì?

Người bệnh IgA nên kiêng:

  • Các chất gây kích thích, gây nghiện như rượu, bia,...
  • Các chất chứa nhiều gluten.
  • Các chất chứa nhiều protein như nội tạng động vật.
  • Thực phẩm chứa nhiều kali như cam, cà chua, chuối,…
  • Thực phẩm chứa nhiều muối.

Bệnh thận IgA nếu phát hiện ở giai đoạn bệnh nhẹ, người mắc có thể sống khỏe mạnh bình thường mà không cần chế độ ăn kiêng. Nếu bệnh đã xuất hiện các biến chứng như tăng huyết áp, tăng cholesterol, suy thận thì cần tuân thủ chế độ ăn uống nghiêm ngặt. 

Người mắc luôn phải tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ, kết hợp ăn uống hợp lý mới kiểm soát được tình trạng bệnh.

nguoi-benh-than-iga-nen-kieng-ruou-bia.webp

Người bệnh thận IgA nên kiêng rượu, bia

Cách phòng ngừa bệnh thận IgA

Để phòng ngừa mắc bệnh thận IgA, mọi người nên thực hiện kiểm tra chức năng thận định kỳ hàng năm. Đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như: Tiền sử gia đình mắc bệnh trước đây hoặc đang có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường,… Người bệnh đã từng bị viêm đường hô hấp trên có kèm theo tiểu ra máu đại thể cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế xảy ra đợt viêm hô hấp tiếp theo.

Bài viết trên là tổng quan những kiến thức về bệnh thận IgA. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến căn bệnh này, hãy để lại thông tin hoặc số điện thoại ngay dưới phần bình luận để được giải đáp.

Tài liệu tham khảo: 

  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/iga-nephropathy/symptoms-causes/syc-20352268
  2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5383386/#B1
  3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5526097/