Đau thận là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau và dễ bị nhầm lẫn với những cơn đau lưng hay đau dạ dày. Điều này dẫn tới việc người bệnh xem nhẹ và gây chậm trễ trong điều trị. Vậy nguyên nhân gây đau thận và cách điều trị tình trạng này như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp toàn bộ thông tin bạn cần biết về đau thận. 

Tìm hiểu đau thận là gì?

Đau thận là tình trạng đau đớn, khó chịu xuất hiện ở khu vực thận. Cơn đau thường kéo dài âm ỉ ở hai bên hoặc giữa lưng (dưới xương sườn, bên phải hoặc bên trái cột sống). Nó cũng có thể lan xuống các khu vực khác như háng, bẹn hoặc bụng. 

Chính bởi vị trí xảy ra cơn đau như vậy nên đau thận thường bị nhầm lẫn với đau lưng hoặc đau bụng - những tình trạng thông thường. Điều này dẫn tới việc người bệnh xem nhẹ cơn đau và không tiến hành thăm khám, điều trị kịp thời. 

Triệu chứng đau thận điển hình

Các triệu chứng đau thận thường gặp bao gồm:

  • Cơn đau âm ỉ, kéo dài với tần suất thường xuyên hoặc những cơn đau nhói, đau dữ dội theo từng đợt.
  • Đau ở khu vực dưới xương sườn hoặc đau ở vùng bụng. Bạn có thể cảm thấy đau thận trái, đau thận phải hoặc đôi khi là cả hai bên. Cơn đau có thể lan tới những khu vực lân cận như vùng bẹn, bụng dưới và hông. 
  • Cơn đau đi kèm với các triệu chứng khác như sốt, nôn mửa.
  • Rối loạn tiểu tiện, thay đổi màu sắc nước tiểu (sẫm màu hơn hoặc có lẫn máu), đau đớn khi đi tiểu.

dau-than-lan-sang-cac-khu-vuc.webp

Đau thận lan sang các khu vực khác

>>XEM THÊM: Nhận biết cơn đau quặn thận do sỏi thận gây ra

Phân biệt đau thận và đau lưng

Cơn đau thận rất dễ nhầm lẫn với đau lưng. Tuy nhiên bạn có thể phân biệt hai tình trạng này dựa trên những điểm khác biệt sau:

Vị trí: Đau lưng thường xảy ra ở phần nửa dưới của lưng. Trong khi đó, thận nằm ở ngay dưới xương sườn nên vị trí đau thận sẽ nằm ở nửa trên của lưng. Bạn có thể cảm thấy cơn đau ở vị trí cao và sâu trong cơ thể so với những cơn đau lưng thông thường.

Cơn đau không thay đổi: Cơn đau lưng có thể giảm bớt hoặc biến mất khi bạn thư giãn cơ thể hoặc điều chỉnh tư thế. Còn cơn đau thận sẽ không biến mất trong trường hợp này. 

Các triệu chứng khác của đau lưng: Cơn đau lưng thường là đau nhói thay vì đau âm ỉ kéo dài. Nó có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn thực hiện hành động nâng đồ hoặc cúi xuống. Ngoài ra, đau lưng cũng có thể đi kèm với đau cơ. 

Nguyên nhân gây đau thận

Cơn đau xuất hiện từ thận có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý nguy hiểm. Trong đó, những nguyên nhân có thể gây đau thận bao gồm:

Sỏi thận

Sỏi thận là sự tích tụ của các khoáng chất hoặc chất thải bên trong cơ thể. Nếu kích thước viên sỏi nhỏ, chúng có thể được bài tiết tự nhiên theo đường nước tiểu. Tuy nhiên, viên sỏi kích thước lớn có thể bị kẹt trong niệu quản và gây tắc nghẽn nước tiểu. Điều này sẽ gây ra những cơn đau nhói, đau dữ dội, đột ngột ở lưng hoặc bên hông, háng.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường niệu thường do vi khuẩn Escherichia coli, lậu cầu hoặc Proteus mirabilis. Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu thường bao gồm đau thận, đau khi tiểu tiện, nước tiểu sẫm màu, sốt và mệt mỏi toàn thân.

nhiem-trung-duong-tiet-nieu-gay-dau-than.webp

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây đau thận

Nhiễm trùng thận

Nhiễm trùng thận hay còn gọi là viêm bể thận, thường xảy ra khi vi khuẩn gây nhiễm trùng từ bàng quang lây lan đến thận. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên thận gây khó chịu, đau đớn ở lưng, hông, háng và kèm theo sốt. Người bị tiểu đường hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu có tỷ lệ bị nhiễm trùng thận lớn hơn so với những đối tượng khác. 

Nhiễm trùng thận mạn tính xảy ra khi có bất thường ở đường niệu khiến nước tiểu chảy ngược từ bàng quang lên bể thận dẫn tới nhiễm trùng nhiều lần, gây phá hủy thận và tổn thương vĩnh viễn. 

Thận ứ nước

Nguyên nhân gây thận ứ nước có thể là do các viên sỏi làm tắc nghẽn đường tiết niệu, khiến nước tiểu tích tụ trong thận. Điều này có thể xảy ra ở một hoặc hai bên thận, gây đau đớn ở khu vực lưng, hông, bẹn, háng. 

Đa nang thận

Thận đa nang là bệnh di truyền, trong đó các nang chứa đầy chất lỏng phát triển bên trong thận. Khi những u nang này phát triển và lớn lên, thận sẽ tăng kích thước, giãn ra dẫn tới tổn thương thận, mất khả năng hoạt động bình thường. Trong quá trình này, người bệnh có thể cảm thấy đau âm ỉ ở hông, lưng hoặc trên bụng.

Khối u lành tính hoặc ác tính

Những khối u lành tính hoặc khối u ác tính (ung thư) xuất hiện trong thận cũng có thể là nguyên nhân gây đau thận. Bạn có thể cảm thấy các cơn đau kéo dài xuất hiện ở hông, lưng, hoặc mạng sườn. 

ung-thu-than-gay-dau-than.webp

Ung thư thận gây đau thận 

Huyết khối tĩnh mạch thận

Cục máu đông trong tĩnh mạch thận có thể gây cơn đau dữ dội và kéo dài hay những cơn đau thắt ở mạn sườn hoặc một bên thận. Cơn đau cũng có thể lan ra khu vực xung quanh thận như giữa khung xương sườn hay cột sống. 

Tổn thương thận

Tổn thương thận do va đập, chấn thương khi tham gia các môn thể thao mạnh như quyền anh, bóng đá, cưỡi ngựa có thể là nguyên nhân gây cơn đau ở thận. Khi đó, bạn có thể cảm thấy đau đớn, khó chịu ở hai bên bụng hoặc lưng dưới tùy theo mức độ bị thương. 

>>XEM THÊM: Viêm cầu thận cấp - Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Chẩn đoán và điều trị đau thận

Bác sĩ cần thực hiện một số bài kiểm tra để chẩn đoán nguyên nhân gây đau thận của bạn. Tiếp theo, các phương pháp điều trị sẽ được chỉ định theo từng nguyên nhân cụ thể.

Phương pháp chẩn đoán đau thận

Các phương pháp chẩn đoán thường bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Để kiểm tra máu, protein, nồng độ tế bào bạch cầu, một số hóa chất liên quan đến bệnh lý về thận. Xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ xác định xem bạn có bị đau thận do nhiễm trùng hay không.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Để kiểm tra thành phần nước tiểu có tồn tại mảnh sỏi hay vi khuẩn không. Xét nghiệm nước tiểu cũng giúp xác định các dấu hiệu, vị trí nhiễm trùng. Xét nghiệm nước tiểu là phương pháp quan trọng để đánh giá chức năng thận thông qua nồng độ creatinin và albumin.
  • Xét nghiệm hình ảnh (chụp CT scan, siêu âm): Phương pháp này giúp bác sĩ xem xét tình trạng hiện tại của thận. Chúng thường được sử dụng để xác định các vấn đề có thể xảy ra với thận như sỏi thận, khối u nang, khối máu đông,...

4-phuong-phap-chan-doan-dau-than.webp

4 phương pháp chẩn đoán đau thận

Phương pháp điều trị đau thận

Nguyên tắc chung của những phương pháp điều trị là giảm thiểu tình trạng đau đớn cũng như loại bỏ nguyên nhân gây đau thận. Những phương pháp thường được sử dụng để điều trị đau thận bao gồm:

  • Phương pháp điều trị nội khoa: Được sử dụng trong trường hợp bệnh nhẹ và chưa gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, đời sống của người mắc. Cụ thể với phương pháp này, người bệnh sẽ được kê một số loại thuốc và hướng dẫn điều trị thông qua chế độ ăn uống, vận động. 
  • Phương pháp điều trị ngoại khoa: Được sử dụng trong trường hợp đau thận nặng gây tổn thương cấu trúc và chức năng thận vĩnh viễn. Các phương pháp điều trị ngoại khoa bệnh thận bao gồm: Phẫu thuật, sử dụng sóng điện từ để phá hủy tác nhân gây bệnh, ghép thận,...

Bên cạnh phương pháp điều trị theo tây y, bạn có thể kết hợp sử dụng thảo dược đông y để hỗ trợ điều trị chứng đau thận. Những loại thảo dược như dành dành, đan sâm, hoàng kỳ, trầm hương,... có tác dụng giảm đau, giúp cải thiện tình trạng đau đớn ở thận. Trong đó thảo dược dành dành đã được nhóm nghiên cứu Xiaobo Li và cộng sự (Trung Quốc - 2017) chứng minh có tác dụng ngăn ngừa các tổn thương xơ hóa thận tiến triển do bệnh lý tắc nghẽn thông qua ức chế quá trình dịch chuyển biểu mô và trung mô.

duoc-lieu-giam-dau-than.webp

Dược liệu giảm đau thận

Đồng thời những dược liệu này giúp bổ thận, hỗ trợ phục hồi và tăng cường chức năng thận và đặc biệt không gây tác dụng phụ với người dùng. Kết hợp sử dụng thảo dược với các loại thuốc tây sẽ giúp bạn vừa điều trị triệu chứng, vừa giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây đau thận. 

Trên đây là những thông tin về tình trạng đau thận, một dấu hiệu cảnh báo thường gặp của nhiều bệnh lý nguy hiểm về thận. Khi gặp phải triệu chứng này, bạn cần tiến hành thăm khám sớm nhất tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan tới đau thận, bạn có thể để lại thông tin dưới bài viết này, chúng tôi sẽ tư vấn nhanh chóng. 

Link tham khảo:

https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/17688-kidney-pain

https://www.webmd.com/a-to-z-guides/kidney-pain

https://www.healthdirect.gov.au/kidney-pain#treated

https://www.mayoclinic.org/symptoms/kidney-pain/basics/causes/sym-20050902