Được chẩn đoán viêm cầu thận nhưng gia đình không có tiền chạy chữa, số phận như thể quá trớ trêu với em Đào Thị Bích Hà. Tính mạng của con gái đang trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, chị Lộc (mẹ của Hà) cũng chẳng biết làm sao… 20 tuổi, Hà còn dở dang nhiều thứ, trong đó có ước mơ được kiếm tiền để mua thuốc cho bố và đỡ mẹ bát cơm ăn hàng ngày.

Hoàn cảnh thương tâm của cô gái 20 tuổi bị viêm cầu thận

Vừa tròn 20 tuổi, Hà có thân hình nhỏ bé khi chưa đầy 40kg. Bố bị tâm thần đã lâu, mẹ lại đau yếu suốt nên học hết cấp 3 em phải xin nghỉ để đi làm công nhân, giúp đỡ bố mẹ. Ấy vậy nhưng số phận trớ trêu… Cách đây gần 4 tháng, Hà phát hiện bị suy thận nhưng cũng vì không có tiền nên gắng gượng ở nhà đi làm tiếp. “Con đi làm rồi kêu mệt, mặt nó sưng phù lên nữa, đi viện tuyến dưới khám bác sĩ bảo là bị viêm cầu thận nhưng nó vẫn cố sức đi làm để lấy tiền mua thuốc cho bố uống. Rồi đến lúc nó ngã quỵ ra đấy thì viện tuyến dưới chuyển lên thẳng trên này cô ạ”. Gương mặt đầy vẻ sợ hãi với hai tay phải bám chặt vào thành ghế, mẹ của em là chị Nguyễn Thị Lộc kể lại.

 

Những ngày nằm điều trị tại Khoa Thận, Bệnh viện Bạch Mai, chị bảo con còn tỉnh và biết mẹ không còn tiền nên mỗi bữa 2 mẹ con chỉ dám ăn chung 1 suất cơm 10 nghìn (5 nghìn mua cơm, 5 nghìn mua thức ăn). Nhưng rồi tình trạng của con quá nặng nên phải chuyển cấp cứu xuống Khoa Hồi sức tích cực. Cạn tiền và chẳng còn lấy đến 1 đồng, chị Lộc bảo may mắn còn sống được qua ngày bởi có phiếu ăn từ thiện của phòng Công tác xã hội phát cho. Nhưng còn số tiền điều trị cho con gái thì chị chẳng thể bấu víu được vào ai. Chị liên tục gọi điện về nhà cầu cứu mà toàn nhận những cái lắc đầu.

Nhắc đến Bích Hà, một bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Bệnh nhân suy thận trên nền của bệnh lupus ban đỏ, đã điều trị ở Khoa Thận nhưng do tình trạng khó thở, phổi tổn thương nhiều, viêm phổi và có tràn khí màng phổi nên phải chuyển xuống cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực. Tại đây, bệnh nhân được tiến hành thở máy, lọc máu và sử dụng các loại thuốc kháng sinh nhưng tình hình vẫn rất nặng. Vì không vay được tiền nên gia đình đã ra gặp để xin cho mang con về nhà, chấp nhận cái chết. Nhưng vì bệnh nhân còn quá trẻ và khả năng cứu sống vẫn còn nên chúng tôi đã ngồi nói chuyện, phân tích để gia đình cố gắng chạy chữa cho em. Và cũng vì biết gia đình em quá khó khăn nên mọi chi phí thuốc thang, về phía khoa phòng tạo điều kiện hết mức và sử dụng trong danh mục bảo hiểm thanh toán”.

Chuyên gia chia sẻ bí quyết phòng ngừa và hỗ trợ điều trị viêm cầu thận an toàn, hiệu quả

Ở Việt Nam, khoảng 60% viêm cầu thận cấp sau nhiễm khuẩn ngoài da do liên cầu và 40% viêm cầu thận cấp xảy ra sau nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Khi viêm cầu thận cấp không được phát hiện sớm và điều trị, bệnh chuyển sang mạn tính với những biến chứng nguy hiểm. Nếu bệnh viêm cầu thận cấp được phát hiện sớm và điều trị tích cực, tỷ lệ hồi phục rất cao. Bệnh nhân nhỏ tuổi, tỷ lệ phục hồi cao hơn bệnh nhân lớn tuổi. Khi protein niệu kéo dài trên 6 tháng, bệnh không còn khả năng tự phục hồi, viêm cầu thận cấp tính trở thành mạn tính với những hậu quả nguy hiểm.

Viêm cầu thận thường gặp ở trẻ nhỏ từ 3 - 8 tuổi, trẻ trai hay mắc phải hơn trẻ gái với tỷ lệ là 2/1. Vì thế cha mẹ, người lớn trong nhà không nên chủ quan khi trẻ nhỏ bị ốm. Nếu có biểu hiện của nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn da hay các biểu hiện của viêm cầu thận, nên tới các cơ sở y tế khám, tuân thủ điều trị. Để phòng ngừa viêm cầu thận cấp, cần tuân thủ quy tắc vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt. Người viêm cầu thận cấp cần hạn chế ăn muối, giảm đạm, kali và nghỉ ngơi tuyệt đối khi có tăng huyết áp.