Thận ứ nước là hậu quả của tình trạng tắc đường dẫn niệu trong hoặc ngoài thận, nước tiểu sản xuất ra sẽ ứ lại trong thận, khiến cơ quan này to lên. Bệnh thường gây tăng huyết áp, suy thận cấp và mạn tính.

Thận ứ nước là một bệnh thường gặp cả ở trẻ em và người lớn. Ở trẻ sơ sinh, đây thường là nguyên nhân gây khối u ở bụng. Từ tuổi trung niên trở lên, phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới, chủ yếu do thai sản và ung thư tử cung.

Triệu chứng bệnh là đau liên tục, tăng dần, kéo dài từ 30 phút đến 4-5 tiếng, có thể âm ỉ suốt cả ngày. Đau thường khởi phát ở vùng mạng sườn hay hông lưng rồi lan xuống và ra sau. Người bị thận ứ nước mạn tính thường đau tức âm ỉ, thường xuyên vùng hông lưng hay hố lưng. Cũng có trường hợp tắc nghẽn gây thận ứ nước mạn tính mà không có biểu hiện đau đớn gì đáng kể.

Rối loạn khả năng cô đặc nước tiểu (tiểu nhiều, tiểu đêm, có khi 3-4 lít/ngày) là triệu chứng thường gặp ở người bị thận ứ nước đã dài ngày.

Khoảng 30% người bệnh bị tăng huyết áp. Huyết áp tăng nhẹ hoặc trung bình và trở về bình thường sau khoảng 1 tuần lễ. Thận ứ nước một bên thường không gây tăng huyết áp; nhưng cũng có trường hợp huyết áp tăng cao, phải cắt bỏ thận mới điều chỉnh được. Nếu tắc nghẽn cả 2 bên thận thì thường có tăng huyết áp khi thận ứ nước dài ngày.

Người mắc thận ứ nước dễ bị suy thận cấp hoặc mạn tính.

Để cải thiện thận ứ nước, phải loại bỏ yếu tố gây tắc như phẫu thuật tạo hình các dị dạng bẩm sinh, mổ cắt khối u, tán hoặc mổ lấy sỏi. Cần chống nhiễm khuẩn sớm, không để thận ứ nước chuyển thành thận ứ mủ, hủy hoại nhu mô thận.