Soda là nước uống được nhiều người ưa thích, đặc biệt là trẻ em và những người trẻ tuổi. Nhưng theo các chuyên gia cảnh báo, nguy cơ mắc các bệnh về thận sẽ gia tăng nếu bạn thường xuyên sử dụng loại nước giải khát này. Tại sao lại như vậy? Tôi có thể vẫn uống soda mà không lo mắc bệnh thận hay không? Hãy cùng đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên qua bài viết này!

Các bệnh về thận thường gặp

Thận là cơ quan đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động sống của con người. Khi thận bị tổn thương sẽ dẫn đến một số bệnh về thận nguy hiểm như:

- Viêm thận: Là tình trạng thường gặp do nhiễm khuẩn hoặc ngộ độc thuốc, hóa chất. Vi khuẩn gây bệnh thường là Enterobacter, E.Coli, Proteur,… Bệnh chia thành 2 dạng là cấp và mạn tính.

- Viêm ống thận cấp: Thường là do ngộ độc chì, thuỷ ngân, sunfamit,… khiến người bệnh không đi tiểu được, urê máu cao, nước tiểu có protein, nhiều hồng cầu, bạch cầu trụ hình hạt.

- Hội chứng thận hư khi các tác nhân gây bệnh lắng đọng ở cầu thận. Bệnh có nguyên nhân từ việc dùng thuốc không đúng liều lượng.

- Bệnh sỏi thận: Biểu hiện tiểu khó, tiểu buốt, tiểu dắt, màu sắc nước tiểu thay đổi (đục, đỏ,…), lượng nước tiểu ít, đau vùng thắt lưng, có thể kèm theo sốt. Nguyên nhân gây ra sỏi thận là do viêm đường tiết niệu, sự rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, rối loạn chuyển hóa tuyến nội tiết và tuyến cận giáp trạng.

- Suy thận: Là khi thận không đủ sức thải bỏ mọi cặn bã khiến các chất độc hại và dịch dư thừa đọng lại trong cơ thể. Khi suy thận đến giai đoạn cuối, người bệnh sẽ phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Nhìn chung, bệnh thận rất nguy hiểm, cần phải được điều trị tích cực tại các cơ sở y tế. Trong cộng đồng, việc phổ biến kiến thức y học phổ thông để mọi người có ý thức bảo vệ sức khỏe, kiểm tra các dấu hiệu xét nghiệm sinh hóa, huyết học để sớm phát hiện bệnh về thận và có hướng điều trị.

Uống nhiều soda là nguyên nhân gây bệnh thận

Có rất nhiều nguyên nhân khiến thận bị bệnh. Nghiên cứu mới tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore, Maryland, Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng, lạm dụng đồ uống có đường ngọt như nước trái cây và soda có thể làm tăng nguy cơ phát triển suy thận mạn tính. Những người nghiện thức uống này nên cân nhắc lại thói quen của mình với thông tin mà các nhà nghiên cứu Nhật Bản vừa trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Thận học Mỹ (ASN). Theo đó, những người uống hơn 2 lon soda/ngày có thể dễ bị bệnh thận.

Nghiên cứu được thực hiện trên 12.000 nhân viên làm việc tại 1 trường đại học ở Nhật đã kiểm tra sức khỏe hàng năm theo chế độ làm việc. Những xét nghiệm sức khỏe bao gồm việc đo lượng protein trong nước tiểu để đánh giá một phần chức năng thận. Đồng thời, các nhà nghiên cứu thu thập thêm những thông tin về thói quen và chế độ ăn uống. Kết quả cho thấy, người uống trên 2 lon soda/ngày có tỷ lệ protein dương tính trong nước tiểu nhiều hơn những người uống ít hoặc không uống soda. Thêm vào đó, nếu lạm dụng quá mức thức uống này thì rất nguy hại cho sức khỏe vì trong soda có axit, đây là chất có tính ăn mòn rất cao, tác động xấu đến răng và vách ngăn dạ dày.

Lời khuyên giúp bảo vệ thận từ chuyên gia

Như vậy, để bảo vệ thận, bạn nên tránh tiêu thụ quá nhiều soda, đặc biệt, không nên uống vào buổi tối. Bệnh thận ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Có một số cách đơn giản giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh thận. Cụ thể:

Thường xuyên kiểm soát lượng đường trong máu

Khoảng một nửa số người bị tiểu đường có diễn biến tổn thương thận. Vì vậy, việc thường xuyên xét nghiệm kiểm tra chức năng thận là rất quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường.

Theo dõi huyết áp

Huyết áp cao có thể dẫn đến đột quỵ và là nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương thận. Mức huyết áp bình thường là 120/80mmHg. Từ 120/80mmHg - 129/89mmHg được coi là tiền tăng huyết áp và lúc này nên điều chỉnh lối sống cũng như chế độ ăn uống. Khi huyết áp từ 140/90mmHg trở lên, cần đi khám để được tư vấn, điều trị bệnh.

Giữ cho cơ thể khỏe mạnh và năng động

Hãy “vận động cho khỏe thận”, tham gia bất kỳ hoạt động thể chất nào mà bạn ưa thích như đi bộ, chạy, đạp xe đạp,... để duy trì sự năng động của cơ thể, giúp phòng tránh bệnh thận.

Ăn uống lành mạnh và giữ trọng lượng cơ thể hợp lý

Các bác sĩ khuyên chỉ nên bổ sung 5 – 6g muối/ngày (khoảng một thìa cà phê). Để giảm bớt lượng muối tiêu thụ, hãy cố gắng hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn và không nêm thêm muối vào thức ăn.

Uống đủ nước hàng ngày

Mỗi ngày, cơ thể cần đến 1,5 - 2 lít nước. Uống nhiều nước giúp thận thải trừ natri, urê và các chất độc khỏi cơ thể, làm giảm đáng kể nguy cơ phát bệnh thận mạn tính. Tuy vậy, uống nhiều không có nghĩa là uống quá nhiều một lúc, vì có thể gây hại. Điều quan trọng cần lưu ý rằng, lượng nước cần thiết cho mỗi cá nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm: Giới tính, khí hậu, tình trạng sức khỏe,...

Không hút thuốc

Hút thuốc làm lưu lượng máu tới thận bị chậm lại. Khi ít máu đến thận sẽ làm giảm khả năng hoạt động của thận. Hút thuốc cũng làm tăng 50% nguy cơ ung thư thận.

Định kỳ kiểm tra chức năng thận

Khám định kỳ nếu có một trong số các yếu tố nguy cơ sau: Tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, tiền sử gia đình mắc bệnh thận,...