Dân gian có rất nhiều cách chữa sỏi thận từ những nguyên liệu thiên nhiên. Trong đó, chữa sỏi thận bằng rau ngổ là một trong những phương pháp được nhiều người áp dụng nhờ khả năng bào mòn dần viên sỏi thông qua đường tiểu để đẩy chúng ra khỏi cơ thể. Vậy sử dụng rau ngổ để chữa sỏi thận như thế nào? Mời bạn tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Sỏi thận được hình thành như thế nào?
Sỏi thận là những tinh thể rắn, tạo nên từ khoáng chất và muối có trong nước tiểu, lâu ngày kết lại. Thành phần của sỏi thận là các chất khoáng tạo tinh thể như canxi, natri, oxalat, acid uric,… Những chất này đáng lẽ có thể hòa tan trong nước tiểu nhưng ở nồng độ quá cao, chúng sẽ lắng đọng và kết tinh tạo thành sỏi. Sỏi thận khi mới hình thành có kích thước khá nhỏ, chúng thường tự đào thải ra ngoài thông qua đường tiểu. Tuy nhiên, khi sỏi đã lớn, điều này đồng nghĩa với việc chúng khó đi ra theo đường tiểu, gây tắc nghẽn đường tiết niệu, ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu.
Bạn có thể nhận biết sỏi thận thông qua một số triệu chứng sau đây:
- Nước tiểu màu hồng, đỏ hoặc nâu, đục và có mùi hôi.
- Đi tiểu với lượng nhỏ và thường xuyên hơn bình thường.
- Đau khi đi tiểu.
- Đau dữ dội ở bên hông, lưng, dưới xương sườn, lan xuống bụng dưới và háng.
- Đau từng đợt và dao động theo cường độ.
Sỏi thận thường diễn biến âm thầm, gây nhiều khó chịu cho người mắc. Hiện nay, có 2 nhóm phương pháp điều trị sỏi thận được khuyến cáo là: Điều trị nội khoa (dùng thuốc) và điều trị ngoại khoa bằng cách can thiệp như tán hoặc mổ sỏi. Khi kích thước sỏi dưới 25mm, chưa gây ra biến chứng thì nên điều trị nội khoa tích cực. Bên cạnh việc dùng thuốc thì nhiều người có xu hướng tìm đến các thảo dược giúp lợi tiểu, hỗ trợ bào mòn sỏi, tiêu biểu như rau ngổ. Phương pháp này an toàn, tiện dụng, ít tốn kém và thích hợp với những người thể trạng yếu, người già.
Rau ngổ có tác dụng gì trong chữa sỏi thận?
Cây rau ngổ với nhiều tên gọi khác nhau tùy theo vùng miền như: Rau om, rau ôm, ngò ôm, ngổ hương. Đây là loại rau thơm được sử dụng nhiều trong các bữa ăn của người Việt. Theo đông y, rau ngổ có tính mát, vị cay, hơi chát, giúp thanh nhiệt, giải độc, trừ viêm,... Không những vậy, loại rau này còn có tác dụng lợi tiểu, giảm co thắt cơ trơn, giãn mạch máu, tăng lọc ở cầu thận, do đó làm tăng lượng nước tiểu, tạo điều kiện đẩy sỏi thận ra ngoài,... Bên cạnh đó, rau ngổ còn có công dụng làm giãn mạch, tăng khả năng lọc của cầu thận, giúp lợi tiểu.
Các nghiên cứu cho thấy, trong rau ngổ có 92% nước; 2,1% protid; 1,2% glucid; 2,1% cenluloza; 0,8% tro; 0,29% vitamin B; 2,11% vitamin C; 2,11% carotene; chứa nhiều tinh dầu (0,1%) chủ yếu là limonene, aldehyd perilla, monoterpenoid cetone và cis-4-caranone,… Ngoài ra, loại rau này còn có các nhóm hợp chất coumarine và flavonoid có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn hiệu quả.
5 công thức chữa sỏi thận bằng rau ngổ
Như những phân tích ở trên, rau ngổ không chỉ là một loại gia vị dùng trong nấu ăn mà còn có tác dụng chữa sỏi thận rất tốt. Bạn có thể áp dụng 5 công thức chữa sỏi thận bằng rau ngổ sau đây:
Bài thuốc 1:
+ Nguyên liệu: 50g rau ngổ, nước lọc, muối ăn.
+ Cách thực hiện: Rau ngổ rửa sạch rồi giã nát, vắt lấy nước cốt. Cho thêm chút muối rồi khuấy đều để uống. Ngày uống 2 lần sáng, tối. Các viên sỏi sẽ được bào mòn dần và theo đường nước tiểu ra ngoài. Bạn hãy thực hiện cách này liền 7 ngày để cảm nhận hiệu quả.
Bài thuốc 2:
+ Nguyên liệu: Rau ngổ tươi, râu ngô phơi khô, bông mã đề, cây cối xay.
+ Cách thực hiện: Đem tất cả các nguyên liệu trên đem rửa sạch rồi cho vào nồi nấu uống hàng ngày. Bài thuốc này giúp giảm co thắt cơ trơn, ngăn chặn các cơn đau do sỏi thận, tăng độ lọc cầu thận cũng như nhanh chóng đẩy sỏi thận ra bên ngoài.
Bài thuốc 3:
+ Nguyên liệu: 100g rau om (rau ngổ), mật ong.
+ Cách thực hiện: Rau ngổ đem rửa sạch, sau đó xay làm sinh tố, cho thêm chút mật ong để uống hàng ngày. Bạn nên sử dụng đều đặn trong thời gian từ 15 – 30 ngày. Lưu ý, uống trước bữa ăn sáng.
Bài thuốc 4:
+ Nguyên liệu: 300g rau om, 1 trái dừa tươi.
+ Cách thực hiện: Rau ngổ rửa sạch rồi đem giã nát, vắt lấy nước cốt, sau đó cho nước dừa vào khuấy đều. Chia làm 3 lần uống trong ngày và thực hiện phương pháp này liên tục trong 5 - 7 ngày để thấy hiệu quả. Cả rau ngổ và nước dừa đều có tác dụng lợi tiểu, giúp loại những viên sỏi ra ngoài.
Bài thuốc 5:
+ Nguyên liệu: 50 – 100g rau ngổ tươi, nước lọc.
+ Cách thực hiện: Rau ngổ tươi rửa sạch, sau đó xay làm sinh tố để uống hàng ngày. Sử dụng đều đặn trong thời gian từ 15 – 30 ngày. Hoặc bạn cũng có thể dùng rau ngổ tươi đem nấu với 2 chén nước, để nước sôi trong 20 phút rồi lọc lấy nước và đợi nguội rồi uống.
Những lưu ý khi dùng rau ngổ để chữa sỏi thận
Mặc dù rau ngổ có khả năng cải thiện sỏi thận, song trong quá trình áp dụng bài thuốc từ loại rau này, cần lưu ý đến một số vấn đề sau:
+ Rau ngổ phải rửa thật sạch để tránh nguy cơ bị ngộ độc. Bởi loại rau này thường mọc ở nơi ẩm ướt, dễ có trứng sán hay nhiễm khuẩn.
+ Phụ nữ mang thai tuyệt đối không dùng loại rau này vì chúng sẽ làm giãn cơ phủ tạng, dễ gây sảy thai.
+ Uống nhiều nước để đào thải sỏi thận ra bên ngoài.
+ Cần có chế độ ăn uống phù hợp, tránh làm việc mệt mỏi.
+ Tránh nhầm lẫn với rau ngổ trâu họ cúc. Khi sử dụng cần phân biệt rõ 2 loại cây này để tránh làm ảnh hưởng tới chất lượng cũng như hiệu quả chữa bệnh sỏi thận bằng cây rau ngổ.
Chữa sỏi thận bằng rau ngổ dù là kinh nghiệm dân gian đã được áp dụng từ lâu nhưng thực tế lại chưa có những nghiên cứu thực nghiệm chứng minh công dụng. Hiệu quả của bài thuốc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa của từng người hoặc do thao tác đun sắc, sơ chế. Chính vì vậy, phải có sự theo dõi để đánh giá kết quả. Muốn điều trị sỏi thận hiệu quả hơn, cần kết hợp nhiều thảo dược để tạo nên tác động đa chiều trên hệ thống tiết niệu.