Bị hội chứng thận hư nên ăn gì là thắc mắc của rất nhiều người, nhất là những ai đang gặp phải vấn đề này. Các chuyên gia khuyến cáo, ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, người mắc hội chứng thận hư nên tạo cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý để cải thiện bệnh hiệu quả hơn. Vậy cụ thể, chế độ ăn cho người mắc hội chứng thận hư như thế nào? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời chính xác nhất.

Hội chứng thận hư là gì?

Hội chứng thận hư là một loại rối loạn chức năng thận khiến cho protein bài tiết quá nhiều qua đường tiểu. Hội chứng này thường xuất hiện do tổn thương ở những cụm mạch máu nhỏ và tiểu cầu thận. Trong trường hợp thận bị hư, cơ quan này hoạt động không hiệu quả, khiến protein ở máu đi ra ngoài cơ thể, gây phù nề. Khi thận hư ở giai đoạn đầu, bệnh nhân chỉ bị sưng mắt cá chân và mắt, càng về sau, sự tích nước càng lan rộng ra toàn thân khiến da sưng, bụng trướng. Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, sụt cân nghiêm trọng.

Nguyên nhân dẫn tới hội chứng thận hư chủ yếu là do:

- Nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm hóa chất.

- Nhiễm độc bệnh tự miễn khi mang thai.

- Sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau liên tục trong thời gian dài.

- Chế độ ăn mất cân bằng, nhiều đạm, thừa muối, ít vitamin và chất xơ.

- Uống quá ít nước so với nhu cầu của cơ thể.

- Mắc một số bệnh mạn tính như: Lupus, tiểu đường, bệnh cầu thận, viêm gan. Đây được gọi là các nguyên nhân thứ phát của hội chứng thận hư.

Hội chứng thận hư có nguy hiểm không?

Việc phát hiện hội chứng thận hư sớm và kịp thời là một trong những yếu tố quan trọng giúp kiểm soát bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, khi bệnh không được can thiệp kịp thời sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe. Cụ thể:

- Suy dinh dưỡng: Lượng protein qua đường nước tiểu mất đi nhiều nhưng không được bù vào, kèm theo đó là biểu hiện chán ăn do giảm dịch ruột, phù gan và nội tạng nên người bệnh dễ bị suy dinh dưỡng.

- Nhiễm khuẩn: Khi bị hội chứng thận hư sẽ có hiện tượng giảm IgM, IgG và bổ thể (là một chuỗi protein trong huyết tương) do mất qua nước tiểu, cùng với tình trạng suy dinh dưỡng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Đó có thể là viêm mô tế bào, zona, viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phúc mạc tiên phát, nhiễm khuẩn huyết do phế cầu và các loại vi khuẩn khác,…

- Suy thận: Rối loạn nước và điện giải, khả năng lọc máu gặp phải trục trặc có thể khiến các chất thải tích tụ trong máu, gây suy thận.

- Tắc nghẽn tĩnh mạch: Nhất là tĩnh mạch thận (gặp trong khoảng 5 – 60% số trường hợp). Nguyên nhân được cho là do rối loạn đông máu gây nên.

Câu hỏi đặt ra lúc này là: Làm thế nào để kiểm soát và ngăn chặn biến chứng nguy hiểm của hội chứng thận hư? Hiện nay, bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị bằng thuốc theo chỉ định, bạn sẽ được khuyên nên xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp để quá trình cải thiện bệnh đạt hiệu quả tốt nhất.

Người mắc hội chứng thận hư nên ăn gì?

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc hội chứng thận hư đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể tăng sức đề kháng cũng như chống lại những rối loạn về thành phần sinh hóa trong máu. Vậy, người mắc hội chứng thận hư nên ăn gì? Dưới đây là một số lời khuyên:

Tăng lượng protein

Khi mắc hội chứng thận hư, nhu cầu protid tăng lên do mất một lượng lớn qua đường tiểu. Tuy nhiên, bạn cũng không nên ăn quá nhiều đạm vì có thể làm xơ hóa cầu thận, dẫn đến suy thận.

+ Lượng đạm trung bình cho người mắc hội chứng thận hư trong 1 ngày = 1g/kg/ngày + lượng protein mất qua nước tiểu trong 24 giờ. Trong đó, 2/3 là đạm động vật có giá trị sinh học cao từ thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa và 1/3 là đạm thực vật từ gạo, mì, đậu đỗ,...

+ Nên chọn ngũ cốc có lượng đạm thấp như: Miến, khoai củ, bột sắn. Nên ăn gạo, mì dưới 150g/ngày.

+ Không ăn nội tạng động vật như: Tim, gan, thận, óc, dạ dày,...

Vitamin và khoáng chất

+ Hãy bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin D, chất sắt. Sử dụng những thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, A, beta caroten, selenium như: Các loại rau xanh, quả chín màu đỏ và vàng (đu đủ, cà rốt, xoài, giá đỗ, cam,...).

+ Lựa chọn thực phẩm giàu canxi như: Cá nhỏ, sữa tách béo,...

+ Trong trường hợp tiểu ít và có kali máu tăng thì phải hạn chế rau quả, đặc biệt là chuối.

Chất béo

+ Người mắc hội chứng thận hư chỉ nên tiêu thụ chất béo khoảng 20 - 25g/ngày.

+ Khi chế biến thức ăn, nên hấp, luộc; Hạn chế xào, rán, quay.

+ Nên dùng các loại dầu thực vật như: Dầu đậu tương, dầu hạt cải, dầu lạc, dầu vừng để thay thế mỡ.

+ Không ăn các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol như: Óc, lòng, các loại phủ tạng động vật, bơ, mỡ, trứng. 

+ Hạn chế những thực phẩm có nhiều chất béo như: Thịt mỡ, da gà, lạp xưởng, xúc xích,…

Nước

Lượng nước trong chế độ ăn và uống hàng ngày bằng lượng nước tiểu + 500ml (bao gồm nước uống các loại, nước canh,…). Lượng nước nạp vào cơ thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ phù và lượng nước tiểu.

Hạn chế muối

Lượng muối tiêu thụ cần giảm tùy thuộc vào triệu chứng phù của bệnh. Nếu hội chứng thận hư có biểu hiện phù nhẹ thì lượng muối tiêu thụ là dưới 2g/ngày. Bạn sẽ phải hạn chế muối tuyệt đối (dưới 0,5 g/ngày) khi cơ thể phù to.