Bệnh tim mạch thường gặp ở người có bệnh suy thận mạn bất kể tuổi tác, giai đoạn của bệnh thận, mức độ ảnh hưởng có thể ít hoặc nhiều. Ngoài ra, nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận là tiểu đường và tăng huyết áp, cũng đưa người bệnh vào nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tim có nhiệm vụ bơm máu giàu chất dinh dưỡng và oxy thông qua các động mạch đến các cơ quan quan trọng, bao gồm cả não và các mô của cơ thể. Bệnh tim mạch là một thuật ngữ chung dùng để nói đến các bất thường ở tim và các mạch máu.
Bệnh suy thận ảnh hưởng đến tim và mạch máu như thế nào?
Sau đây là những biến chứng mà bệnh suy thận có thể dẫn đến bệnh tim mạch:
Thiếu máu: Thiếu máu là khi cơ thể bạn không có đủ các tế bào hồng cầu. Thận sản xuất một hormone gọi là erythropoietin, kích thích tủy xương sản xuất hồng cầu. Nếu thận của bạn bị suy yếu, sự sản xuất erythropoietin bị suy giảm, và dẫn đến cơ thể bị thiếu máu. Các tế bào hồng cầu bị thiếu có nghĩa là sự vận chuyển oxy và dinh dưỡng đến các mô và cơ quan của cơ thể cũng bị giảm, bệnh nhân suy thận có thể dễ bị nhồi máu cơ tim.
Tăng huyết áp: Thận sản xuất renin, đây là một loại enzyme giúp kiểm soát huyết áp. Thận bị suy giảm chức năng có thể tiết quá nhiều renin, c dẫn đến tăng huyết áp và có thể làm tăng nguy cơ đau tim, suy tim sung huyết và đột quỵ.
Nồng độ homocysteine cao: thận bị suy yếu dẫn đến giảm bài tiết homocysteine, một axit amin trong máu. Nồng độ cao của homocysteine trong máu có thể dẫn đến bệnh động mạch vành, đột quỵ và đau tim.
Nồng độ calci-phosphat: Bệnh nhân suy thận không thể giữ mức canxi và phốt pho cân bằng trong máu. Thông thường, khi có quá nhiều phốt pho và canxi trong máu sẽ có nguy cơ mắc bệnh mạch vành.