Thận ứ nước là hậu quả của tắc đường dẫn nước tiểu trong thận hoặc ngoài thận làm cho thận to lên do chứa nước tiểu. Nếu là thận ứ nước cấp tính thì chức năng thận vẫn tốt. Nhưng nếu kéo dài, không được xử trí thì xảy ra thận ứ nước mạn tính làm các đơn vị thận bị huỷ hoại dần, mức lọc cầu thận giảm đi và cuối cùng đưa đến suy thận mạn tính.

 

Biểu hiện lâm sàng của thận ứ nước tuỳ thuộc sự tắc nghẽn cấp tính hay mạn tính, tắc một hay cả hai bên, vị trí tắc ở trên cao hay thấp, có nhiễm khuẩn kết hợp hay chỉ là thận ứ nước đơn thuần.

 

Triệu chứng bệnh là đau liên tục, tăng dần, kéo dài từ 30 phút đến 4-5 tiếng, có thể âm ỉ suốt cả ngày. Đau thường khởi phát ở vùng mạng sườn hay hông lưng rồi lan xuống và ra sau. Người bị thận ứ nước mạn tính thường đau tức âm ỉ, thường xuyên vùng hông lưng hay hố lưng. Cũng có trường hợp tắc nghẽn gây thận ứ nước mạn tính mà không có biểu hiện đau đớn gì đáng kể.

 

Nguyên nhân gây bệnh.

 

Những nguyên nhân hay gặp là sỏi thận, sỏi tiết niệu, viêm đường tiết niệu làm đường niệu bị chít hẹp. Một số dị dạng bẩm sinh như có van niệu đạo, hiện tượng trào ngược bàng quang - niệu quản cũng có thể gây ra bệnh. Bên cạnh đó, những nguyên nhân khác như u xơ tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt, các khối u ở vùng chậu, hông, tình trạng có thai... cũng gây khả năng chèn ép, làm tắc nghẽn đường niệu dẫn đến nhiều rối loạn ở hệ thống tiết niệu và một số cơ quan khác trong cơ thể. Bệnh không có tính di truyền. Điều trị bệnh thận ứ nước trước hết phải loại bỏ được nguyên nhân gây bệnh. Chị nên đi khám tại các chuyên khoa tiết niệu để được điều trị sớm và đúng.

 

Dự phòng thận ứ nước.

 

Mỗi ngày ta nên uống nhiều nước (2-3 lít), giảm ăn mặn, cần ăn nhiều rau quả. Điều cần nhất mỗi khi mắc tiểu ta nên đi tiểu ngay, không cố nén quá lâu, nước tiểu ứ lâu là nhân tố nhiễm trùng tiểu và hóa sỏi. Mỗi năm cần siêu âm ít nhất một lần để xem tình trạng thận của mình.