Thận đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho huyết áp được bình thường và ngược lại, tăng huyết áp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thận. Biến chứng suy thận do tăng huyết áp là vô cùng nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy làm thế nào để kiểm soát huyết áp, tăng cường chức năng thận an toàn, hiệu quả? Câu trả lời sẽ có trong nội dung bài viết này!
Tại sao tăng huyết áp lại gây biến chứng suy thận?
Nhiều người nghĩ rằng, tăng huyết áp là nguyên nhân dẫn tới đột quỵ nhưng lại không hề biết đó là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây suy thận.
Bình thường, huyết áp ở mức 120/80 mmHg. Khi chỉ số này đạt mức 140/90 mmHg thì gọi là tăng huyết áp. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài có thể làm hỏng hoặc giảm chức năng của mạch máu tại các cơ quan, kể cả thận. Khi lưu lượng máu tăng cao, các mạch máu căng ra để quá trình lưu thông dễ dàng hơn, lâu dần dẫn đến suy yếu. Khi các mạch máu của thận tổn thương sẽ làm giảm khả năng loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Thay vào đó là tăng thêm chất lỏng trong các mạch máu khiến huyết áp tăng lên, tạo ra một vòng bệnh lý nguy hiểm.
Tổn thương thận do tăng huyết áp biểu hiện dưới 3 dạng là: Tiểu albumin vi thể, tiểu protein và suy thận. Vì vậy, đánh giá tổn thương thận trên người tăng huyết áp chủ yếu là dựa vào xét nghiệm. Trên thực tế, rất nhiều người bị suy thận do biến chứng tăng huyết áp.
Suy thận do tăng huyết áp có nguy hiểm không?
Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh lý suy thận. Vậy suy thận do tăng huyết áp có nguy hiểm không? Khi tình trạng tăng huyết áp không được khắc phục, nó sẽ làm xơ hóa động mạch nhỏ và gây tổn thương hầu hết các đơn vị trong thận. Không những thế, nó có thể dẫn đến xơ vữa động mạch lớn và kéo theo các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như: Nhồi máu cơ tim, đột quỵ,… Huyết áp tăng quá cao và không được kiểm soát sẽ khiến động mạch cầu thận bị tổn thương nghiêm trọng. Khi đó, chức năng bài tiết và lọc bỏ độc tố của thận sẽ suy giảm, lâu dần có thể gây ra các triệu chứng phù nề, nhiễm độc.
Bên cạnh đó, tăng huyết áp kéo dài còn gây ra tình trạng xơ vữa động mạch. Khi không được điều trị tốt, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn ác tính và làm tổn thương nghiêm trọng lớp nội mạc. Điều này có thể dẫn tới xơ hóa cầu thận và làm chức năng của thận bị suy giảm ở mức đáng báo động. Có thể thấy rằng, tăng huyết áp và suy thận có tác động qua lại với nhau. Chính vì vậy, phải kiểm soát tốt huyết áp để tránh bị suy thận. Ngược lại, cần điều trị tốt suy thận mới ngăn chặn được tăng huyết áp cũng như tránh được tình trạng bệnh phát triển thành giai đoạn cuối, đe dọa đến tính mạng.
Cải thiện tình trạng suy thận do tăng huyết áp như thế nào?
Do suy thận và tăng huyết áp có tác động qua lại lẫn nhau nên khi tiến hành chữa bệnh, cần phải điều trị song song. Theo các chuyên gia, mục tiêu kiểm soát bệnh thận do tăng huyết áp nhằm trì hoãn hoặc ngăn chặn sự tiến triển. Phương pháp điều trị bao gồm: Ổn định huyết áp thông qua các loại thuốc (khi cần thiết) và thay đổi lối sống. Bạn cũng sẽ được đề nghị một chế độ ăn uống đặc biệt. Nếu bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối, bạn sẽ được chỉ định phương pháp điều trị xâm lấn nhiều hơn.
Dùng thuốc hạ huyết áp
- Thuốc lợi tiểu:
+ Thiazides 1 lần/ngày và sử dụng khi có GFR ≥ 30 ml/ph (suy thận độ 1 – 3).
+ Lợi tiểu quai nên dành cho bệnh nhân có GFR < 30 ml/ph (suy thận độ 4 – 5).
+ Lợi tiểu quai kết hợp với thiazides có thể sử dụng cho người suy thận bị phù. Lợi tiểu giữ kali nên được sử dụng thận trọng ở người suy thận có GFR < 30 ml/ph, dùng đồng thời ACEI hoặc ARB ở người có nguy cơ tăng kali máu.
- Thuốc chẹn kênh canxi: Nhóm DHP và non DHP hiệu quả trong việc hạ huyết áp và giảm nguy cơ tim mạch. Trong đó, nhóm non DHP giúp giảm đạm niệu. Nhóm DHP không làm giảm đạm niệu nếu sử dụng một mình nhưng khi phối hợp với ACEI hoặc ARB có tác dụng ngăn bệnh thận tiến triển.
- Thuốc chẹn beta: Làm hạ áp và giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Tuy nhiên, thuốc gây ra các rối loạn chuyển hóa lipid và kháng insulin.
- Các thuốc hạ áp khác: Ức chế thụ thể alpha trung ương, ức chế chọn lọc thụ thể alpha1, thuốc giãn mạch trực tiếp như hydralazine,…
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
- Hạn chế các thực phẩm giàu tinh bột (cơm, bún, miến, khoai, ngô, sắn,…) và nhiều đường (bánh kẹo ngọt, hoa quả sấy khô, nước ép trái cây,…).
- Tăng cường rau xanh và trái cây ít ngọt.
- Ăn nhạt, cắt giảm thức ăn chứa nhiều muối như: Đồ chế biến sẵn (thịt xông khói, xúc xích, snack), các loại củ quả muối (dưa cà muối, kim chi), gia vị (nước mắm, nước tương, sốt BBQ).
- Kiểm soát lượng đạm trong thực đơn hàng ngày theo chỉ định của chuyên gia.
Duy trì lối sống lành mạnh
- Duy trì trọng lượng khỏe mạnh, tránh thừa cân.
- Hạn chế chất kích thích như: Rượu, bia, thuốc lá, cà phê.
- Tập luyện thể thao thường xuyên với các bộ môn vừa sức như: Đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga.