Suy thận cấp là một hội chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường gặp trong hồi sinh cấp cứu. Gọi là suy thận câp khi creatinine trong huyết thanh tăng 50% hoặc lọc cầu thận giảm 50% so với trị số cơ bản (baseline). Ta thường xếp các nguyên nhân gây suy thận cấp vào ba nhóm: suy thận trước thận, tại thận và sau thận.
Suy thận cấp trước thận
Các nguyên nhân giảm thể tích máu nội mạch làm giảm tưới máu thận như sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, thiếu nước do mọi nguyên nhân. Trong tình trạng sinh lý bình thường, khi thể tích lưu thông giảm, các thụ thể cảm áp (baroreptors) ở xoang động mạch cảnh và ở tim được họat hóa làm tăng họat động của hệ thần kinh giao cảm, hệ thống renin-angiotensin-aldosterone và tiết argininevasopressine (AVP-trước đây gọi là antidiuretic hormone) mà hậu quả là co mạch ở những vùng không chủ yếu để bảo vệ các bộ phận chủ yếu là tim và não.
Khi tưới máu thận giảm, cơ chế tự điều chỉnh (autoregulation) của thận cùng với prostaglandins và prostacyclin làm giãn động mạch tới vi cầu (afferent arterioles). Trong khi đó angiotensin II làm co động mạch rời vi cầu (efferent arterioles). Kết quả là áp suất trong cầu thận được duy trì do đó duy trì lọc cầu thận.
Cơ chế tự điều chỉnh có tác dụng tối đa khi áp huyết động mạch trung bình (mean arterial blood pressure) ở vào khoảng 80 mmHg, khi huyết áp hạ dưới mức này cơ chế tự điều chỉnh không còn hữu hiệu nên lọc cầu thận giảm, gây ra suy thận trước thận.
Những người lớn tuổi và những người có bệnh mạch máu như xơ vữa động mạch, tiểu đường, nhậy cảm với tình trạng hạ huyết áp hơn người thường.
Một số thuốc cản trở sự vận hành của cơ chế tự điều chỉnh tuần hoàn trong cầu thận như các thuốc ức chế sự tổng hợp prostaglandin (thuốc chống viêm không steroid) hoặc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotensin II tăng nguy cơ suy thận ở người mà tưới máu thận giảm.
Suy thận cấp tại thận
- Nhiều bệnh tổng quát gây tổn thương tại thận làm giảm lọc cầu thận. Các tổn thương có thể ở ống thận, cầu thận, mô kẽ, và mạch máu thận. Tổn thương ống thận thường do thiếu máu cục bộ (ischemia) hoặc do chất độc với thận. Thiếu máu cục bộ có thể do xuất huyết, trụy mạch, sốc nhiễm trùng. Chất độc với thận có thể là hóa chất, kháng sinh như aminoglycosides, acyclovir, chất cản quang hoặc chất độc nội sinh như hemoglobin và myoglobin.
Nếu tưới máu thận tiếp tục giảm các tế bào ống thận sẽ bị hoại tử làm cho suy thận cấp trước thận có tính chất cơ năng trở thành suy thận cấp có tổn thuơng cơ thể gọi là hoại tử ống thận cấp. Họai tử ống thận cấp tiến triển qua ba giai đọan: giai đọan khởi đầu, giai đoạn duy trì và giai đọan phục hồi. Sau biến cố đầu tiên gây tổn thương ở thận, lọc cầu thận giảm trong một đến hai tuần sau đó dần dần hồi phục.
Hiện nay chưa có cách nào làm cho thận phục hồi nhanh hơn do đó cần ngăn ngừa hoại tử ống thận cấp như hồi sức tích cực, tránh các chất độc với thận
Viêm cầu thận cấp thường có biểu hiện tổng quát như sốt, nổi ban, đau khớp, do nhiễm liên cầu trùng hoặc hồng ban đỏ (lupus erythrematosus) hoặc các bệnh hệ thống khác. Bệnh nhân thường tiểu ra máu, trong nước tiểu có trụ hồng cầu, và chất đạm (protein).
Viêm mô kẽ cũng có thể gây suy thận cấp. Viêm thận kẽ cấp có thể do dị ứng với thuốc, bệnh nhiễm trùng, bệnh thâm nhiễm (infiltrative diseases). Triệu chứng của viêm thận kẽ có thể gồm sốt, nổi ban, tế bào ái toan tăng trong máu và nước tiểu…. Các bệnh mạch máu gồm cả mạch máu nhỏ và mạch máu lớn. Các bệnh mạch máu nhỏ thường thể hiện bằng thiếu máu tán huyết do bệnh vi mạch và suy thận cấp do nghẹt hoặc tắc các mạch máu nhỏ. Các bệnh mach máu lớn thường sẩy ra ở người lớn tuổi do hẹp hoặc tắc động mạch thận, huyết khối do rung nhĩ, hoặc bóc tách động mạch chủ cấp tính (acute dissection).
Suy thận cấp sau thận
- Tắc nghẽn hoặc chèn ép đường dẫn nước tiểu cũng gây suy thận cấp. Các nguyên nhân có thể là tiền liệt tuyến lớn, u bướu, hoặc sạn…Cần tìm các nguyên nhân cơ học để lọai bỏ hầu phục hồi chức năng thận. Siêu âm là một phương tiện dễ dùng, không độc hại giúp chẩn đoán sự ứ nước tiểu do nguyên nhân cơ học.