Suy thận mạn tính là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm với các nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng. Việc phát hiện ra bệnh và điều trị sớm có ý nghĩa quyết định hiệu quả điều trị bệnh. Vậy nguyên nhân suy thận là gì để chủ động phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh lý này.

Hậu quả của suy thận mạn tính

Thận đóng vai trò quan trọng trong lọc máu, đào thải chất độc hại, lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Bên cạnh đó thận còn có chức năng điều chỉnh các ion Natri, Kali, cân bằng kiềm toan trong cơ thể. Không những vậy, thận còn sản sinh ra các hormone tham gia vào nhiều hoạt động quan trọng của các cơ quan trong cơ thể như: điều hòa huyết áp, tham gia tạo hồng cầu. Chính vì vậy khi chức năng thận bị suy giảm dễ dẫn tới một loạt các hệ lụy kéo theo, ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể như: tình trạng phù, thiếu máu, chán ăn, buồn nôn,…

Điểm mặt các nguyên nhân suy thận

Đái tháo đường đã và đang được xem là chiếm lớn nhất trong tỉ lệ các bệnh lý gây biến chứng suy thận. Đặc biệt tỉ lệ này ngày càng tăng nhanh ở các nước đang phát triển. Thống kê cho thấy, số người mắc bệnh tiểu đường tăng tỉ lệ thuận với tỷ lệ biến chứng suy thận ở những đối tượng bệnh nhân này.

Tăng huyết áp lâu ngày gây tổn thương các mạch máu thận và các màng lọc cầu thận, gây suy giảm chức năng thận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến bệnh lý này.

Các bệnh lý tại thận như viêm cầu thận, sỏi thận,… cũng có nguy cơ dẫn đến suy thận nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Bên cạnh đó các loại thuốc chuyển hóa qua thận lâu ngày sẽ gây hại cho thận như các thuốc kháng lao, thuốc điều trị ung thư,… Do vậy việc sử dụng các thuốc này rất cần thiết có sự tư vấn của các bác sĩ, không nên tự ý sử dụng.