Bệnh suy thận hiện đang có xu hướng gia tăng và nếu không được điều trị và kiểm soát tốt, bệnh có thể tiến triển sang giai đoạn cuối. Khi đến giai đoạn này, cơ thể có những thay đổi nào, hãy cùng tham khảo bài viết sau:

Điều gì xảy ra với cơ thể khi đến suy thận giai đoạn cuối?

Giảm tiểu tiện: Khi thận hoạt động đúng chức năng sẽ giúp làm sạch máu, đào thải chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Khi đến giai đoạn cuối, chức năng này của thận chỉ còn 1-15%, làm cho chất thải và nước tích tụ lại trong cơ thể. Đây là một tình trạng gọi là nhiễm độc niệu. Khi chất lỏng không được loại bỏ khỏi cơ thể, các mô sẽ sưng lên và dẫn đến một tình trạng gọi là phù nề. Chất lỏng dư thừa trong máu cũng có thể làm tăng huyết áp.

Rối loạn cân bằng điện giải: Sẽ có sự mất cân bằng các yếu tố vi lượng như magiê, natri và kali trong cơ thể bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Chúng được tìm thấy trong thực phẩm ăn hàng ngày và rất cần thiết cho sức khỏe. Tuy nhiên, quá nhiều hoặc quá ít các chất điện giải có thể gây bệnh. Ở giai đoạn cuối suy thận, chức năng thận không thể điều chỉnh nồng độ các chất điện giải. Natri có thể gây giữ nước ở các mô. Kali dư ​​thừa gây nhịp tim bất thường, có thể dẫn đến ngừng tim. Quá ít magiê có thể ảnh hưởng đến nhịp tim và gây ra những thay đổi trong trạng thái tinh thần; quá nhiều magie có thể khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi.

Thay đổi nội tiết tố: Thận khoẻ mạnh tiết ra một số hormone. Một là hormone tuyến cận giáp (PTH) giúp kích hoạt vitamin D thành một chất gọi là calcitriol, giúp cơ thể hấp thụ canxi. Nếu cơ thể bạn không thể hấp thụ canxi, xương của bạn trở nên giòn và dễ gãy. Một hormone nữa mà thận tạo ra là erythropoietin. Erythropoietin kích thích cơ thể sản sinh hồng cầu, mang oxy đến các tế bào khắp cơ thể. Nếu số lượng tế bào hồng cầu thấp, bệnh nhân có thể bị thiếu máu, khiến cho người bệnh suy thận luôn cảm thấy yếu và mệt mỏi.

Sản xuất enzyme bất thường: Renin là một enzyme được thận sản xuất ra, và giúp điều chỉnh nồng độ natri và kali trong máu, cũng như điều hoà huyết áp. Khi huyết áp giảm, renin được kích thích và bắt đầu một phản ứng hóa học trong cơ thể để sản xuất ra một chất gọi là angiotensin. Angiotensin làm co các mạch máu, từ đó giúp tăng huyết áp. Angiotensin cũng báo hiệu các tuyến thượng thận tiết ra một hormone gọi là aldosterone. Aldosterone báo hiệu cho thận giữ muối natri và bài tiết kali. Do giữ lại muối, cơ thể sẽ giữ nước và tăng huyết áp.