Thực ra , mỗi người chỉ cần một trái thận là đủ để hoàn tất những nhiệm vụ cơ bản. Nhưng có lẽ Thượng Đế đã nghĩ đến việc một lúc nào đó, một trái thận sẽ được hiến dâng cho người khác khi mà cả hai trái thận của họ suy hư. Vì thế, Ngài ban cho mỗi người hai trái, nằm hai bên xương sống, sau bụng, rất cân bằng.
Thận chỉ nhỏ bằng nắm tay một em bé, có hình hạt đậu, màu hồng nhạt, nửa đỏ nửa nâu, nặng khoảng 115 gram. Cấu tạo chính của thận là cả triệu những tiểu cầu thận tinh vi, nhỏ bé mà mỗi ngày có tới gần hai trăm lít chất lỏng với đủ các thành phần hóa chất lọc qua và khoảng 1,5 lít nước tiểu được thận bài tiết ra ngoài.
Tuy nhỏ bé nhưng thận có những chức năng rất quan hệ.
Nhiệm vụ căn bản của thận là điều hòa toàn thể khối chất lỏng trong cơ thể, cân bằng nồng độ acid/kiềm; sa thải các cặn bã như urea, uric acid, creatinine, ammonia; giữ lại chất dinh dưỡng đường glucose, đạm, hồng huyết cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Nếu chức năng này ngưng khoảng hai tuần là con người có thể mệnh một.
Thận tiết ra những kích thích tố để kiểm soát sự xuất nhập của nước, khoáng sodium và potassium. Thận giúp giữ huyết áp bình thường; góp phần vào việc cấu tạo hồng huyết cầu. Thận cũng liên can tới việc sử dụng khoáng calcium và phosphore trong tiến trình tạo xương. Thận còn liên hệ tới sự cấu tạo hồng cầu ở tủy sống với kích thích tố erythropoietin do thận tiết ra.
Trong các nhiệm vụ kể trên của thận, không thấy Thượng Đế nói gì đến việc nhiều vị nam nhi yếu sinh lý, kém tình dục, lại cứ than phiền là do bại thận. Nên họ phải tìm uống các thuốc bổ thận, cường dương.
Với các sinh hoạt bình thường và với sự chăm sóc, giữ gìn của con người thì thận có thể tồn tại và làm việc cho đến khi chủ nhân hai năm mươi. Nhưng, cũng như các bộ phận khác trong cơ thể, thận có thể bị suy yếu hư hao vì nhiều lý do.
Chức năng bài tiết của thận giảm một cách tự nhiên theo nhịp độ hóa già của cơ thể. Tới tuổi 70 thì con số tiểu cầu thận giảm, lượng máu qua thận cũng bớt đi và thận đã có một vài khó khăn đáp ứng với sự thay đổi hóa chất trong máu. Bình thường, thận có thể tiếp tục nhiệm vụ bài tiết dù chỉ còn lại vài chục phần trăm tiểu cầu lọc. Các tiểu cầu này sẻ lớn lên và làm việc gấp đôi gấp ba để bù đắp cho các tiểu cầu đã hư hao
1-Bệnh lý
Thận có thể bị viêm do các tác nhân hóa học, dược phẩm, vật lý hay tác nhân gây nhiễm. Bệnh ngoài thận như tiểu đường, tăng huyết áp hoặc một cản trở lưu thông máu tới thận cũng đủ để làm thận không làm việc được..
Hậu quả của suy thận là sự ứ đọng các chất bã trong máu, nhất là loại urea, phó sản của dinh dưỡng đạm chất.
Thận suy từ từ. Lúc đầu hầu như không có dấu hiệu. Rồi một số bệnh nhân cảm thấy hơi mỏi mệt, hay đi đái ban đêm vì thận không còn khả năng cô đọng nước tiểu; bàn chân hơi sưng, huyết áp hơi lên cao, hồng cầu hơi giảm.
Bệnh thận trầm trọng thì các biến chứng cũng leo thang: huyết áp cao vọt, nhịp tim loạn xạ, thiếu hồng cầu, xương yếu dễ gẫy, xuất huyết bao tử, băng huyết vì máu loãng, mất chất dinh dưỡng. Khoáng sodium và potassium bị giữ lại trong cơ thể. Nhiều sodium quá đưa đến cao huyết áp, sưng phù chân. Potassium cao làm nhịp tim đập loạn.
Bệnh nhân ói mửa, mất ký trở nên suy yếu dần nếu không được chữa chạy kịp thời. Khi đã đến giai đoạn cuối của thận suy thì chỉ còn có cách thay thận hoặc thẩm tách huyết ( Hemodialysis) mà một trong nhiều công dụng là để loại bỏ potassium và urea quá cao trong máu.
2-Dinh dưỡng với Suy Thận
Dinh dưỡng trong suy thận có vai trò rất quan trọng và tập trung vào các mục đích sau đây:
a-Tránh cho thận khỏi làm việc quá sức;
b-Tránh suy dinh dưỡng mà vẫn giữ sức nặng bình thường của cơ thể;
c-Tránh mất thăng bằng khoáng sodium và potassium;
d-Tránh máu nhiễm hóa chất bã ure'.
Cặn bã của đạm chất trong chuyển hóa là urea mà thận phải loại ra ngoài. Ăn càng nhiều đạm chất thì cặn bã urea càng cao, và thận càng phải làm việc khó nhọc hơn để bài tiết ra ngoài. Tiêu thụ chất đảam tăng hay giảm tùy theo tình trạng suy thận.. Với suy thận kinh niên thì có việc hạn chế chất đạm trong phần ăn.
Chất đạm cho người bệnh phải có phẩm chất tốt, với đủ các loại amino acid. Thịt động vật hội đủ điều kiện này hơn chất đạm từ thực vật. Nhưng người bệnh vẫn cần một số calories căn bản, nên khi giảm đạm, ta có thể tăng carbohydrates hoặc chất béo loại bất bão hòa.
Vì suy thận có khuynh hướng giữ sodium và potassium trong máu, nên trong thực phẩm cần giới hạn hai muối khoáng này để tránh phù nước và các biến chứng khác.
Sự hấp thụ calcium tùy thuộc vào mức độ phosphore trong máu. Trong suy thận, phosphore bị giữ lại, đưa đến giảm calcium. Mà không thể tăng calcium lại không tăng phosphore trong thực phẩm, nên người suy thận cần uống thêm khoảng 500mg calcium mỗi ngày, ngõ hầu tránh được biến chứng suy yếu ở xương.
Nước uống cũng cần được cân bằng với nước mất đi qua tiểu tiện, đổ mồ hôi, hơi thở..
Ngoài ra người bệnh cũng cần dùng thêm các sinh tố C,B, folic acid mà không cần uống thêm các sinh tố hòa tan trong mỡ như sinh tố A, E, K.
Một chế độ dinh dưỡng cho người suy thận rất phức tạp, nên người bệnh cần phải lấy ý kiến của chuyên viên dinh dưỡng cũng như từ bác sĩ đang săn sóc mình. Mỗi cá nhân cần có một khẩu phần riêng biệt, thích hợp với bệnh tình của mình.
Sạn trong thận
Theo thống kê, trung bình có 10% nam giới và 3% nữ giới đều bị sạn thận ít nhất một lần trong đời.
Có bốn loại sạn thận tùy theo hóa chất cấu tạo sạn. Mặc dù triệu chứng các loại sạn giống nhau nhưng nguyên nhân cấu tạo cũng như sự điều trị đều khác nhau.
Thông thường nhất là sạn với khoáng calcium oxalate hoặc phosphate với tỷ lệ 90% và thường thấy ở nam giới vào tuổi trung niên. Các loại khác là sạn uric acid, magnesium ammonium sulfate và cystine. Loại sau cùng chỉ có ở một số người sanh ra mà đã có rối loạn về chuyển hóa căn bản chất dinh dưỡng.
Khi nồng độ các chất này trong nước tiểu lên cao thì chúng kết tinh thành sạn trong thận hoặc ở ống dẫn nước tiểu. Nguyên nhân của sự kết tinh cũng như làm sao ngăn ngừa sự kết tinh đều chưa được làm sáng tỏ mặc dù đã có nhiều nghiên cứu khoa học. Nhưng điều chắc chắn là sạn tái kết tinh nhiều lần trong cuộc đời người bệnh.
Một số yếu tố có thể đưa tới sạn thận như thực phẩm có ít calcium-nhiều phosphore; nhiều potassium; nhiều chất đạm động vật; thiếu sinh tố A; nhiễm trùng hoặc trở ngại lưu thông đường tiểu tiện; không uống nước đầy đủ; nằm bất động quá lâu; cao calcium và di truyền.
Sạn âm thầm kết tinh. Sạn nhỏ có thể theo nước tiểu ra ngoài. Khi sạn di chuyển là lúc người bệnh thấy đau gắt ở ngang thắt lưng, chạy xuống bẹn và đùi và đi tiểu ra máu.
Sạn to được làm tan đi qua kỹ thuật lithotripsy hoặc bằng phẫu thuật.
Dù thuộc loại nào hoặc lớn nhỏ bao nhiêu, bệnh nhân đều được khuyến cáo là nên tiêu thụ một lượng nước lớn mỗi ngày (1,5 tới 2 lít/ ngày ) để có 2 lít nước tiểu, ngõ hầu tránh hóa chất kết tinh đưa tới sạn.
Dinh dưỡng với bệnh sạn thận
Người bị sạn thận thường rất quan tâm tới vấn đề ăn uống. Họ chán ngán với cảnh lâu lâu lại bị cơn đau gắt khi sạn di chuyển nên muốn biết phải ăn kiêng khem ra sao cho sạn khỏi tái phát.
1-Sạn calcium oxalate. Trước đây người bệnh thường được khuyên bớt ăn thực phẩm chứa nhiều calcium để giảm nguy cơ sạn thận. Nhưng thực ra, sự liên hệ không hoàn toàn như vậy. Cao calcium trong nước tiểu có thể do hoặc không do nhiều calcium trong máu.
Một vài bệnh như chứng Tăng Chức Năng Tuyến Cận Giáp ( Hyperparathyroidism), rối loạn dư thừa sinh tố D, u bướu xương, bệnh sarcoidosis đều làm tăng calcium trong máu và đều là nguyên nhân đưa tới sạn trong thận. Chữa những bệnh này sẽ làm giảm calcium trong máu và nước tiểu.
Nhiều khi calcium trong nước tiểu cao là do sự hấp thụ từ thực phẩm trong một vài bệnh của ruột ( Crohn' disease, suy tụy tạng) hoặc khi dùng quá nhiều sinh tố C ( sinh tố này được biến hóa ra oxalate) hoặc do thận rỉ calcium ra ngoài.
Nếu là do hấp thụ từ ruột thì sự hạn chế thực phẩm có oxalate calcium giúp ích cho việc điều trị. Thực phẩm có nhiều oxalate là rau spinach, quả dâu, súc cù là, quả hạch ( nuts), trà.
Nhiều chuyên gia khuyên cắt bớt sự tiêu thụ calcium. Nhưng xin cẩn thận lấy ý kiến của bác sĩ trước, vì hạn chế quá, cơ thể sẽ rút calcium ở xương và làm xương suy yếu, dễ gẫy.Có ý kiến khác cho là sự giới hạn này có thể làm tăng nguy cơ bị sạn oxalate, vì calcium cao sẽ giúp gia tăng sự hấp thụ oxalate trong ruột và giảm sạn oxalate trong nước tiểu.
2-Sạn uric acid. Uric acid là do sự chuyển hóa của chất purine trong chất đạm động vật và một số thực phẩm khác mà ra. Uric acid trong nước tiểu cũng lên cao ở người bị bệnh thống phong (gout), khi uống nhiều thuốc Aspirin, Probenecid. Do đó, khi hạn chế thực phẩm có nhiều purine sẽ làm giảm nguy cơ sạn này rất nhiều.
Thực phẩm có nhiều purine là: gan , óc, tim, thận động vật; cá herring, sardine; bia, rượu vang; thịt, đậu , rau cauliflower, nấm, rau spinach, tôm cá.
3-Sạn struvite gồm các hóa chất ammonium, magnesium và phosphate. Và thường thấy ở nữ giới. Bệnh thường do nhiễm vi khuẩn đường tiểu tiện với các loại Proteus hoạc Klebsiella, khiến chất urea phân hóa thành các tinh thể ammonium Tinh thể tụ lại với nhau và đưa tới sạn thận.
Bệnh sạn này thường được chữa bằng thuốc kháng sinh để tiêu diệt nhiễm trùng hoặc bằng giải phẫu. Dinh dưỡng không có vai trò gì trong loại sạn này.
Trong tất cả các trường hợp sạn thận, số lượng nước tiêu thụ hàng ngày có một vai trò rất quan trọng.
Nước uống làm nước tiểu loãng và ngăn ngừa các tinh thể gây sạn kết tụ với nhau. Cho nên, mỗi ngày, người bị bệnh sạn thận cần uống ít nhất tám ly nước hoặc nhiều hơn.
Xin lưu ý là một số thực phẩm làm thay đổi mức độ kiềm hoặc acid của nước tiểu ( chỉ số pH) và có ảnh hưởng tới sự kết tinh các hóa chất trong sạn thận.
Rau, trái cây( ngoại trừ trái prune, plumbs, cranberries), sữa, làm nước tiểu có độ kiềm.
Thực phẩm có nhiều chất đạm như thịt, cá, trứng, pho mát; trái plumb, prunes, cranberries, ngô báp, đậu lentils làm nước tiểu có độ acid.