Với bệnh nhân bị suy thận, khi thận không còn khả năng lọc máu thì đó là lúc cần phải tiến hành phương pháp lọc máu ngoài thận. Kiến thức về các trường hợp phải lọc máu cũng như chế độ ăn uống phù hợp với các giai đoạn chữa bệnh là rất cần thiết.

 Khi nào phải lọc máu ngoài thận?

Phương pháp lọc máu ngoài thận hoạt động trên nguyên tắc cho máu bệnh nhân tiếp xúc với một chất dịch nhân tạo qua một màng bán thấm, chỉ để lọt qua nước và những chất có kích thước rất nhỏ. Nhờ hiện tượng khuếch tán (thẩm thấu) mà các chất độc sẽ đi từ máu sang bên dịch nhân tạo qua màng này. Những người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối và suy thận cấp tính cần phải tiến hành lọc máu ngoài thận.

Với suy thận mạn tính giai đoạn cuối, lọc máu ngoài thận được thực hiện khi hệ số thanh thải creatinin dưới 10ml/phút. Hệ số thanh thải creatinin được hiểu là số mililít huyết tương mà thận đã lọc hoàn toàn được chất đó (creatinin) trong một phút. Người ta dựa vào hệ số này để đánh giá mức độ suy thận. Suy thận mạn tính là tổn thương tiến triển từ từ, nặng dần, dẫn đến mức không thể hồi phục trở lại của các đơn vị lọc thận, do nhiều nguyên nhân gây nên.

Suy thận cấp tính lại là trường hợp thận tạm thời mất khả năng lọc máu một cách đột ngột. Lọc máu có thể được tiến hành trong vài ngày hoặc vài tuần cho đến khi thận hoạt động bình thường trở lại. Thời gian tiến hành tùy theo mức độ suy thận.

Có hai phương pháp lọc máu ngoài thận, đó là thận nhân tạo và lọc màng bụng. Phương pháp thận nhân tạo dùng một màng nhân tạo tiếp xúc trực tiếp với máu bệnh nhân; phương pháp lọc màng bụng dùng ngay màng bụng của bệnh nhân, coi đây là một màng tự nhiên, một “thận nhân tạo”!

Chế độ ăn uống phải phù hợp

Ăn kiêng là điều kiện sống còn với bệnh nhân suy thận, ngay cả khi chưa lọc máu và khi đang lọc máu chu kỳ. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, với người suy thận, nói chung cần phải giảm protein, đảm bảo cân bằng muối nước, ít chua, đủ canxi và thấp phosphore - có trong các loại thức ăn như sữa, phomát, cua, lòng đỏ trứng, rau quả khô... Nên dùng các chất bột đường như các loại đường, mật ong, khoai sọ, khoai lang, miến dong, bột sắn dây. Giảm thịt nạc, cá duy trì khoảng 0,6g/kg thể trọng/ngày. Chất béo dầu, mỡ, bơ chỉ sử dụng 35 - 40g/ngày, 2/3 có nguồn gốc thực vật. Với hoa quả cũng chỉ nên dùng loại chứa hàm lượng đường cao và hàm lượng kali thấp.

Với bệnh nhân suy thận mạn tính đã lọc máu chu kỳ, không cần duy trì chế độ ăn quá nghiêm ngặt như trước khi lọc máu, nhưng cũng không được ăn uống thoải mái như người có chức năng thận bình thường. Vì bệnh nhân suy thận đã lọc máu chu kỳ thì sau một thời gian ngắn, lượng nước và muối dư thừa đã được điều chỉnh, nhờ vậy nhiều trường hợp tăng huyết áp sẽ được điều chỉnh mà không cần đến thuốc. Khi đó người bệnh không được tăng cân quá 1,5kg/giữa 2 lần lọc máu. Nếu cân nặng tăng quá nhiều, phải hạn chế lượng nước uống. Khi huyết áp trở về bình thường, bệnh nhân có thể dùng thêm một lượng nhỏ muối nhưng phải rất chú ý theo dõi.

Khi đã được lọc máu, thận nhân tạo đã thải bớt ure, nên người bệnh có thể ăn vào một lượng đạm gần như người bình thường. Ngoài đạm động vật: các loại thịt, cá, trứng (lòng trắng), cũng có thể dùng đạm có nguồn gốc thực vật như đậu nành, đậu xanh... nhưng cũng cần lưu ý vì các loại đậu chứa hàm lượng kali khá cao. Hạn chế các loại thức ăn có chứa nhiều phosphore vì khi phosphore trong máu tăng sẽ làm tăng hoạt động tuyến cận giáp dễ gây các biến chứng về xương và mạch máu. Người lọc máu chu kỳ sẽ bị lọc bớt một số yếu tố vi lượng, nhất là các loại sinh tố tan trong nước như nhóm sinh tố B, C. Do đó phải cung cấp thêm các yếu tố này, điều đó cũng sẽ giúp làm tăng hiệu quả của các thuốc điều trị thiếu máu.