Thận vẫn đảm nhiệm được chức năng của mình mặc dù các đơn vị cầu thận đã bị suy giảm hoặc mất chức năng. Hầu hết người bệnh sẽ không biết mình đang bị suy thận giai đoạn 2. Bệnh nhân thường phát hiện ra mình bị suy thận độ 2 khi họ được kiểm tra nhằm chẩn đoán các bệnh khác như tiểu đường hoặc tăng huyết áp, hai nguyên nhân hàng đầu của bệnh thận.
Các dấu hiệu của suy thận độ 2
Các triệu chứng cận lâm sàng để phát hiện ra một người đang ở giai đoạn 2 của suy thận mạn bao gồm: xét nghiệm thấy ure và creatinine trong máu cao hơn mức bình thường, thấy máu hoặc đạm trong nước tiểu, phát hiện thấy dấu hiệu tổn thương thận sau khi siêu âm, chụp X quang, tiền sử gia đình bị bệnh thận đa nang…
Điều trị bệnh suy thận độ 2
Kiểm tra thường xuyên protein trong nước tiểu và creatinine huyết thanh có thể cho biết tiến triển của tổn thương thận. Sống một lối sống lành mạnh có thể giúp làm chậm tiến trình suy thận. Khuyến cáo những bệnh nhân đang bị suy thận độ 2 hãy: thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm nhiều ngũ cốc (đặc biệt là ngũ cốc nguyên hạt), trái cây tươi và rau quả. Người bệnh nên chọn một chế độ ăn uống ít chất béo bão hòa và cholesterol. Hạn chế các thực phẩm tinh chế chứa nhiều chất đường và muối. Nên có một chế độ ăn nhạt, ít muối. Kiểm soát lượng protein, vitamin và khoáng chất đưa vào cơ thể theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng thận. Kali và phốt pho thường không bị hạn chế trừ khi nồng độ trong máu cao hơn bình thường. Người bệnh cần giữ huyết áp, lượng đường ở mức bình thường. Bên cạnh việc dùng thuốc theo quy định của bác sĩ, cần kết hợp luyện tập thể dục đều đặn, bỏ thuốc lá. Đó là những lời khuyên thiết thực nhất cho người bệnh khi phát hiện ra mình mắc suy thận độ 2.
Sống khỏe với bệnh suy thận độ 2
Không có cách chữa khỏi suy thận độ 2, nhưng có thể làm chậm được quá trình suy thận. Trong nhiều trường hợp, việc điều trị và thay đổi lối sống đúng có thể giúp giữ cho người bệnh suy thận khỏe mạnh lâu hơn.