Triệu chứng suy thận có thể trầm trọng hơn, thậm chí gây ra các biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong nếu người bệnh có chế độ ăn uống bất hợp lý. Vậy khi bị suy thận kiêng ăn gì thì tốt nhất? Có cách nào giúp tăng cường chức năng thận, giảm độ suy thận hiệu quả hay không? Tất cả những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong nội dung bài viết này! Đừng bỏ lỡ!

Suy thận là gì?

Thận là cơ quan bài tiết chính của hệ tiết niệu trong cơ thể. Chức năng chính của thận là lọc máu, chất thải và chỉ giữ lại protein cũng như các tế bào máu. Ngoài ra, thận còn có vai trò quan trọng giúp cân bằng độ pH của dịch ngoại bào và quá trình tổng hợp các tế bào máu, điều hòa nồng độ ion trong máu. 

Thận khỏe sẽ giúp bài tiết được nhiều chất thải ra khỏi cơ thể và ngược lại, nếu không làm tốt nhiệm vụ của mình, các chất cặn bã sẽ không đào thải được mà ứ đọng lại. Lâu dần, chúng sẽ gây tắc nghẽn và làm thận suy yếu hơn, dẫn đến suy thận. Suy thận có thể xảy ra đột ngột, gọi là suy thận cấp hoặc diễn tiến từ từ, gọi là suy thận mạn.

- Suy thận cấp: Chức năng thận vẫn có thể hồi phục được.

- Suy thận mạn: Xảy ra khi mức lọc cầu thận suy giảm dần và không hồi phục được. 

Nguyên nhân gây suy thận là gì?

Có nhiều nguyên nhân gây suy thận, có thể kể đến như:

- Tiểu đường (đái tháo đường): Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận. Bên cạnh việc tác động đến thận, bệnh tiểu đường còn gây nhiều biến chứng lên các hệ cơ quan khác như: Tim mạch, mắt, thần kinh,…

- Huyết áp cao: Huyết áp cao nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây đạm niệu và dẫn đến suy thận.

- Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Một số thuốc có thể gây tổn thương thận, đặc biệt là khi dùng dài ngày với liều không thích hợp. Các loại thuốc có thể gây độc cho thận gồm: Thuốc kháng viêm không steroid; Thuốc kháng lao; Thuốc, hoá chất điều trị ung thư; Thuốc cản quang; Một số thuốc đông y không rõ nguồn gốc,…

- Mắc một số bệnh lý như: Sỏi thận, viêm thận, bể thận, hội chứng thận hư, viêm cầu thận, nhiễm khuẩn nặng do các vi khuẩn có độc lực cao,… nếu không điều trị tốt sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận, dần dần biến chứng suy thận mạn.

- Chế độ ăn uống ăn nhiều muối, đường, chất đạm, chất mỡ; Ăn ít rau quả; Ít vận động; Thường xuyên bị stress; Hút nhiều thuốc lá; Ô nhiễm môi trường,… cũng là những tác nhân gây suy thận không thể bỏ qua.

Vai trò của chế độ dinh dưỡng với người mắc suy thận

Những người mắc suy thận ngoài việc điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật... cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bởi dinh dưỡng giúp người bệnh tăng cường sức khỏe để chiến đấu chống lại các biến chứng của suy thận. Không những vậy, thận còn là cơ quan có chức năng bài tiết chất độc, những chất không cần thiết trong cơ thể và lọc máu. Vì vậy, dinh dưỡng của những người bị suy thận là rất quan trọng để tránh các chất độc làm thận tổn thương thêm nặng nề và tránh tạo gánh nặng cho thận.

Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý còn giúp:

+ Bảo tồn chức năng thận.

+ Hạn chế những biến chứng có thể xảy ra của suy thận.

+ Làm chậm tiến triển của bệnh đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

+ Cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

+ Ngăn ngừa được tình trạng suy dinh dưỡng.

+ Điều chỉnh sự rối loạn chuyển hóa.

Bởi vậy, để góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, người mắc suy thận nên xây dựng cho mình chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Người mắc suy thận kiêng ăn gì để cải thiện bệnh tốt nhất?

Khi bị suy thận, bạn nên tránh những thực phẩm sau đây để bệnh không diễn tiến xấu hơn. Cụ thể, người mắc suy thận nên kiêng:

Thực phẩm giàu natri

Một trong những nguyên tắc ăn uống đầu tiên được khuyến cáo cần áp dụng cho người bệnh suy thận đó là ăn nhạt (không nên ăn quá 2 - 4g muối mỗi ngày). Đặc biệt, với người bị tăng huyết áp kèm theo thì cần hạn chế việc ăn các thức ăn mặn, nước khoáng chứa nhiều natri. Nếu dung nạp quá nhiều muối sẽ làm tăng áp suất trong các mạch máu thận, khiến thận yếu hơn.

Thực phẩm giàu kali

Ở giai đoạn đầu của bệnh thận, việc hạn chế kali đôi khi là không cần thiết vì thận vẫn có thể loại bỏ kali dư thừa từ máu. Nhưng với người bị suy thận ở giai đoạn nặng hay chạy thận, nếu không được giữ hàm lượng kali ở mức cân bằng có thể khiến tim ngừng đập. Vì vậy, người mắc suy thận cần kiêng các thực phẩm  đó là: Cam, mơ, kiwi, chuối, dưa hấu, cà chua, khoai tây và rau bina nấu chín,...

Thực phẩm giàu phốt pho

Khi bị tổn thương, thận bắt đầu mất khả năng loại bỏ phốt pho dư thừa từ máu. Lượng phốt pho quá cao có thể gây ra những ảnh hưởng xấu cho xương và tim. Vì vậy, người bệnh suy thận được khuyên nên ăn ít hơn thực phẩm có chứa chất này. Những loại thực phẩm chứa nhiều phốt pho mà người bệnh nên tránh như: Sôcôla nóng, bia, nước ngọt, pho mát, chuối, sữa chua, bơ đậu phộng.

Thực phẩm giàu chất béo

Lượng chất béo dư thừa gây ra những vấn đề liên quan đến huyết áp, tim mạch. Chúng cũng khiến tình trạng suy thận trở nên xấu đi. Chính vì thế, bạn nên hạn chế dùng dầu mỡ, thay vì chiên, xào, hãy luộc và nướng khi chế biến món ăn.

Thực phẩm giàu đạm

Đạm rất cần thiết để xây dựng cơ bắp và các mô. Tuy nhiên, nếu bị suy thận thì các chất thải đạm sẽ tích tụ trong máu, khi lọc qua thận gây quá tải. Do đó, việc giảm tiêu thụ các thực phẩm giàu chất đạm sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho thận. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý rằng: Hạn chế đạm nhưng cần đảm bảo đủ năng lượng trong ngày.