Viêm cầu thận là một bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm của các tiểu cầu thận và các mạch máu nhỏ trong thận. Bệnh có thể xuất hiện độc lập hoặc kết hợp với Hội chứng thận hư.
Nguyên nhân viêm cầu thận
Viêm cầu thận tiên phát do tổn thương nội tại của thận, trong khi viêm cầu thận thứ phát có liên quan đến một số bệnh nhiễm khuẩn (vi khuẩn, virut hay ký sinh trùng gây bệnh), thuốc, bệnh hệ thống (lupus ban đỏ, viêm mạch) hoặc bệnh tiểu đường
Triệu chứng viêm cầu thận
Triệu chứng viêm cầu thận phụ thuộc vào từng thể bệnh và sự tiến triển cấp hay mạn tính. Các triệu chứng chung có thể bao gồm: nước tiểu sẫm màu, có bọt (do dư thừa protein); tăng huyết áp; phù; mệt mỏi, thiếu máu; đi tiểu ít hơn bình thường.
Điều trị viêm cầu thận
Đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng tùy theo từng giai đoạn của bệnh.
Giai đoạn viêm cầu thận mãn chưa có suy thận : viêm cầu thận mạn không có triệu chứng lâm sàng thì chỉ cần theo dõi định kỳ. Nếu có triệu chứng lâm sàng thì chủ yếu là điều trị triệu chứng: điều trị phù như ăn nhạt, hạn chế lượng nước uống. Dùng thuốc lợi tiểu furosemid từ liều thấp 40mgx1viên/24giờ đến liều cao hơn nhằm đạt được lượng nước tiểu như mong muốn 1,5 – 1,8 lít/24giờ.
Điều trị tăng huyết áp: thuốc hạ huyết áp, các nhóm thuốc đều dùng được. Khi có suy tim, không dùng thuốc chẹn bêta giao cảm. Có thể dùng một trong các thuốc: nifedipin, amlor, renitec, logimax, coversyl… Nếu bệnh nhân đáp ứng tốt với nhóm ức chế men chuyển (renitec, coversyl) có thể giúp bảo vệ nhu mô thận lâu dài. Cần dùng thuốc thường xuyên, theo dõi định kỳ về lâm sàng và chức năng thận.
Trường hợp bệnh nhân viêm cầu thận có hội chứng thận hư thì cùng với việc điều trị triệu chứng, cần điều trị hội chứng thận hư như corticoid, cyclophosphamid… Nếu có nhiễm khuẩn, cần điều trị kháng sinh loại không độc thận kết hợp một đợt từ 7 – 10 ngày. Điều trị nguyên nhân như bệnh luput, đái tháo đường.