Suy thận cấp là hội chứng suy giảm chức năng thận đột ngột, cấp tính của cả 2 quả thận do nhiều nguyên nhân gây nên. Khi bị suy thận cấp, bệnh nhân có biểu hiện tiểu ít, vô niệu, ure, creatinine... tăng dần, kèm theo rối loạn nước, điện giải và thăng bằng kiềm toan. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể sẽ tử vong, tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời và chính xác thi chức năng thận có thể được hồi phục hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn.

 

Nguyên nhân dẫn đến suy thận cấp

 

Có rất nhiều nguyên nhân gây suy thận cấp. Tuy nhiên, các nguyên nhân này được chia làm 3 nhóm sau:

 

Các nguyên nhân gây ra sự suy giảm dòng máu tới thận: làm giảm áp lực lọc cầu thận gây suy thận cấp chức năng. Thường gặp nhất là do sốc: sốc do chấn thương, do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn huyết, sốc do nhồi máu cơ tim cấp hoặc sốc do tan máu cấp vì các bệnh lý khác nhau ...

 

Các bệnh lý tổn thương tại thận: cũng do rất nhiều nguyên nhân, bao gồm: các bệnh lý cầu thận cấp, các nguyên nhân gây viêm ống thận cấp tính (hoại tử ống thận cấp), các nguyên nhân gây viêm kẽ thận cấp tính, bệnh lý mạch máu thận.

 

Các nguyên nhân khác có thể gặp như: tắc nghẽn trong và ngoài cơ quan thận - tiết niệu, liệt bàng quang do tổn thương thần kinh, thắt nhầm niệu quản khi mổ vùng chậu hông hoặc suy thận cấp sau cắt thận một bên.

 

4 giai đoạn của suy thận cấp

 

Tiến hành lọc máu khi bệnh nhân có 1 trong các triệu chứng sau:

- Kali máu > 6,5 mmol/l.

- Urê máu > 30 mmol/l.

- pH máu < 7,2.

- Quá tải thể tích tuần hoàn đe dọa phù phổi cấp.

Các triệu chứng lâm sàng biểu hiện khác nhau tùy theo giai đoạn của bệnh. Triệu chứng chủ yếu là thiểu niệu - vô niệu.

 

Giai đoạn khởi đầu: Là giai đoạn tấn công của tác nhân gây bệnh để dẫn đến suy thận cấp. Diễn biến của giai đoạn này dài ngắn khác nhau tùy theo từng loại nguyên nhân gây suy thận cấp. Ở bệnh nhân thận bị nhiễm độc vô niệu có thể xuất hiện trong 24 giờ đầu. Ở bệnh nhân sốc khi huyết áp tâm thu giảm xuống dưới 70 mmHg sẽ có thiểu niệu.

 

Giai đoạn thiểu niệu hoặc vô niệu: Là giai đoạn toàn phát của bệnh, kéo dài 10-14 ngày, có khi tới 4-8 tuần, nhưng cũng có thể chỉ 2-3 ngày. Triệu chứng chủ yếu của giai đoạn này là thiểu niệu, vô niệu. Trong lâm sàng coi là thiểu niệu khi nước tiểu từ 12-20ml trong 1 giờ (từ 300-500ml/24 giờ) và vô niệu khi nước tiểu < 12ml/giờ (< 300ml/24 giờ). Nước tiểu sẫm màu, có thể có máu, mủ, đôi khi có vi khuẩn.

 

Trong nhiều trường hợp thấy thận to và đau, đôi khi đau dữ dội, có phản ứng tăng cảm thành bụng và hố thắt lưng, điểm sườn thắt lưng đau, dấu hiệu vỗ hố thắt lưng dương tính. Các triệu chứng trên gợi ý có tắc nghẽn đường dẫn niệu.

 

Phù: có thể phù nhiều hoặc ít tùy theo lượng nước và muối đưa vào cơ thể, đôi khi gây ra phù phổi cấp.

 

Huyết áp thường thấp hoặc bình thường trong pha thiểu niệu hoặc vô niệu. Nếu vô niệu kéo dài thì huyết áp sẽ tăng dần, huyết áp tâm thu tăng nhiều hơn huyết áp tâm trương, đặc biệt là tình trạng quá tải natri. Nếu vô niệu kéo dài sẽ gây tăng kali máu dẫn tới làm biến đổi điện tim và có thể gây ngừng tim.

 

Nếu bệnh nhân có bệnh tim từ trước, có thể thấy có rối loạn nhịp, phù phổi cấp, trụy mạch. Viêm màng ngoài tim có thể gặp trong suy thận cấp với biểu hiện có tiếng cọ màng ngoài tim hoặc đau vùng trước tim.

 

Ngoài ra, tùy theo mức độ có thể gặp các biểu hiện khác như chuột rút, co giật, miệng khô, nôn, buồn nôn, chán ăn, có thể có tiêu chảy, cơn đau bụng cấp do viêm dạ dày ruột do tăng ure máu cấp tính, có thể có sốt. Nếu tăng kali máu nặng (trên 6,5mmol/l) có thể thấy yếu cơ, mất phản xạ gân xương, đôi khi bị liệt, dị cảm hay xuất hiện ở quanh miệng và chi dưới, nôn mửa, tiêu chảy, đôi khi bị liệt ruột.

 

Giai đoạn đái trở lại: Giai đoạn đái trở lại có thể rất sớm vào ngày thứ 2-3 sau vô niệu nhưng cũng có thể rất muộn vào ngày thứ 20 hoặc hơn. Lượng nước tiểu tăng dần tới 1-2 lít/24h và có thể đa niệu tới 5-6 lít/24h. Ở giai đoạn này, khả năng tái hấp thu của ống thận vẫn giảm nghiêm trọng. Mặc dù bệnh nhân đái trở lại nhưng urê máu vẫn tăng trong vài ngày tiếp theo. Giai đoạn này, bệnh nhân vẫn có thể bị tử vong, thường do các biến chứng.

 

Giai đoạn hồi phục: Giai đoạn hồi phục bắt đầu từ khi urê máu giảm và tiến triển dần về bình thường. Cân bằng nội môi sẽ trở lại sau vài ngày hoặc vài tuần. Urê niệu vẫn còn thấp một thời gian vài tuần, nhưng hệ số thanh thải urê tăng dần về bình thường; chức năng thận (mức lọc cầu thận và nhất là chức năng ống thận) bình phục chậm sau nhiều tháng tiếp theo.

 

Điều trị và dự phòng

 

Tùy theo nguyên nhân và từng giai đoạn mà có phương thức xử trí khác nhau:

 

Giai đoạn khởi đầu: Nhanh chóng loại bỏ nguyên nhân gây suy thận. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể biến suy thận cấp thể vô niệu thành suy thận cấp thể bảo tồn nước tiểu. Điều trị nguyên nhân nếu có. Điều trị triệu chứng bằng cách bù máu, bù dịch, nâng huyết áp.

 

Giai đoạn toàn phát: Điều chỉnh cân bằng nước: thường duy trì lượng nước vào = 500ml + lượng nước tiểu trong 24 giờ.

 

Hạn chế tăng kali máu: không dùng các thuốc, dịch truyền, thức ăn có nhiều kali; loại bỏ các ổ hoại tử, các ổ nhiễm khuẩn. Nếu kali máu từ 6-6,5mmol/l thì phải dùng thuốc để làm giảm nồng độ kali máu.

 

Hạn chế tăng ure, creatinin: ăn đủ calo từ 35-40kcalo/kg/ngày bằng glucose và lipit, hạn chế protid, có thể dùng thêm các thuốc tăng đồng hóa đạm.

 

Chỉ dùng lợi tiểu khi không có dấu hiệu mất nước, huyết áp tâm thu trên ít nhất là 80mmHg. Tốt nhất là dùng furosemid. Cần đặt thông bàng quang để theo dõi nước tiểu.

 

Chống nhiễm khuẩn, chống loét nhưng cần chú ý tránh dùng các kháng sinh độc cho thận.

 

Giai đoạn đái trở lại và hồi phục: Giai đoạn này chủ yếu là bù nước - điện giải bằng truyền tĩnh mạch các dung dịch đẳng trương: glucoza 5%, natri clorua 0,9%, ringer lactat.

 

Hạn chế tăng kali máu và tăng urê máu bằng chế độ ăn và thuốc.

 

Khi nồng độ urê máu trở về bình thường thì phải cho bệnh nhân ăn đủ đạm và vitamin.