Có thể chia nguyên nhân gây suy thận cấp thành 3 nhóm sau:
- Trước thận: là những bất thường ảnh hưởng đến dòng máu trước khi nó đến thận.
- Sau thận: là những bất thường ảnh hưởng đến sự di chuyển của nước tiểu khi đi ra khỏi thận.
- Tại thận: là những bất thường của thận ngăn cản quá trình lọc máu hoặc sản xuất nước tiểu.
Suy thận trước thận
Suy thận trước thận là loại suy thận cấp thường gặp nhất (60 - 70% trường hợp). Thận không nhận đủ máu để lọc. Suy thận trước thận có thể do những trường hợp sau:
- Mất nước: do nôn ói, tiêu chảy, thuốc lợi tiểu hoặc thiếu máu.
- Máu không đến thận được do nhiều nguyên nhân:
+ Huyết áp tụt mạnh do một cuộc phẫu thuật lớn gây mất máu, chấn thương hoặc phỏng nặng, hoặc nhiễm trùng huyết.
+ Các mạch máu đến thận bị tắc nghẽn hoặc hẹp
+ Suy tim hay nhồi máu gây giảm lưu lượng máu
+ Suy gan dẫn đến những thay đổi trên các hormon ảnh huởng đến lưu lượng máu và áp lực đến thận.
Thận không bị tổn thương thật sự trong giai đoạn sớm của quá trình suy thận trước thận. Nếu được điều trị với phương pháp thích hợp, những bất thường trên có thể trở lại bình thường. Giảm lượng máu đến thận kéo dài, dù với bất kỳ nguyên nhân gì, cũng có thể gây tổn thương nhu mô thận vĩnh viễn.
Suy thận sau thận
Suy thận sau thận đôi khi có liên quan đến suy thận do tắc nghẽn do có một vật gì đó ngăn chặn sự bài tiết nước tiểu đã được thận sản xuất ra. Đây là nguyên nhân hiếm gặp nhất của suy thận cấp (khoảng 5 - 10 % trường hợp). Tình trạng này có thể phục hồi lại được bình thường trừ khi sự tắc nghẽn tồn tại đủ lâu để gây tổn thương đến nhu mô thận.
Tắc nghẽn một trong hai niệu quản có thể do những nguyên nhân sau:
- Sỏi niệu: thường chỉ ở một bên.
- Ung thư các cơ quan thuộc niệu đạo hoặc những cấu trúc gần niệu đạo có thể gây tắc nghẽn dòng nước tiểu.
- Do thuốc.
Tắc nghẽn ở bàng quang có thể do những nguyên nhân sau:
- Sỏi bàng quang
- Phì đại tiền liệt tuyến (nguyên nhân thường gặp nhất ở nam giới)
- Cục máu đông
- Ung thư bàng quang
- Bệnh bàng quang thần kinh làm giảm khả năng co của bàng quang
Các điều trị là giải phóng sự tắc nghẽn. Một khi đã được giải phóng, thận thường sẽ hồi phục trong vòng 1 đến 2 tuần nếu như không có nhiễm trùng hay những vấn đề khác.
Tổn thương thận
Tổn thương thận nguyên phát là nguyên nhân phức tạp nhất gây suy thận (chiếm khoảng 25 đến 40% trường hợp). Những nguyên nhân tại thận gây suy thận bao gồm những lý do ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận, hệ thống cấp máu bên trong thận và nhu mô thận có chức năng điều hòa muối và nước.
Một số nguyên nhân tại thận có thể gây suy thận bao gồm:
- Bệnh mạch máu
- Cục máu đông ở mạch máu thận
- Tổn thương nhu mô và tế bào thận
- Viêm tiểu cầu thận
- Viêm thận kẽ cấp tính
- Hoại tử ống thận cấp
Viêm tiểu cầu thận: tiểu cầu thận, hệ thống lọc đầu tiên của thận, có thể bị tổn thương bởi nhiều loại bệnh khác nhau, bao gồm nhiễm trùng dẫn đến kết quả là viêm gây suy giảm chức năng thận.
- Thường gặp nhất là viêm họng do streptococcal. Vi khuẩn streptococcal có thể hủy hoại cầu thận.
- Những triệu chứng bất thường của cầu thận có thể bao gồm nước tiểu màu sậm (như coca hoặc trà) và đau lưng.
- Những triệu chứng khác bao gồm sản xuất ra nước tiểu ít hơn bình thường, tiểu ra máu, tăng huyết áp và phù (do cơ thể giữ nước lại)
- Điều trị thường bao gồm dùng thuốc và nếu như chức năng thận suy giảm rõ rệt thì có thể cần phải thẩm phân để loại bỏ những chất cặn có khả năng đe dọa tính mạng mà cơ thể không thể bài tiết ra ngoài được.
Viêm thận kẽ cấp tính: là sự sụt giảm một cách đột ngột của chức năng thận do viêm mô kẽ của thận giữ vai trò chính là giữ cân băng muối và nước nhiều hơn là nhiệm vụ lọc chất cặn.
- Nguyên nhân thường gặp nhất là uống những loại thuốc như kháng sinh, kháng viêm (aspirin, ibuprofen) và thuốc lợi tiểu.
- Những nguyên nhân khác bao gồm nhiễm trùng và bệnh có liên quan đến hệ miễn dịch như lupus, leukemia, lymphoma và sarcoidosis.
- Thường có thể phục hồi lại được nếu như thận không bị tổn thương nặng
- Điều trị bao gồm ngừng những loại thuốc gây ảnh hưởng, điều trị nhiễm trùng và thẩm phân trong trường hợp chức năng thận còn lại rất thấp.
Hoại tử ống thận cấp: các ống thận bị tổn thương và không hoạt động bình thường được. Hoại tử ống thận thường là kết quả cuối cùng của các nguyên nhân gây suy thận cấp khác. Ống thận là những cấu trúc tinh vi đảm nhận phần lớn chức năng lọc của thận. Khi bị hoại tử, các tế bào tạo nên ống thận trở nên vô dụng và "chết".
- Tình trạng này chiếm khoảng 90% trường hợp suy thận cấp tiên phát.
- Nguyên nhân bao gồm shock (giảm lượng máu đến thận), thuốc (đặc biệt là kháng sinh) và những chất dùng trong hóa trị, chất độc và thuốc nhuộm dùng trong một số kiểu chụp x-quang.
- Một số người tạo thành nước tiểu ít hơn bình thường rất nhiều. Những triệu chứng khác của hoại tử ống thận cấp bao gồm: mệt mỏi, phù, hôn mê, buồn nôn, nôn, đau bụng, chán ăn và nổi ban. Đôi khi không có triệu chứng nào cả.
- Cách điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tổn thương và có thể bao gồm việc ngưng dùng loại thuốc được cho là thủ phạm, bổ sung dịch cho cơ thể, tăng lượng máu đến thận. Có thể cho thuốc lợi tiểu để tăng sản xuất nước tiểu nếu như tổng lượng nước trong cơ thể quá nhiều. Có thể cho thuốc để cân bằng lại thành phần hóa học của máu.
- Nếu như thận không phục hồi được và các phương pháp điều trị không thay thế được một cách thích hợp chức năng bị mất của thận, bệnh nhân sẽ cần phải thẩm phân thường xuyên hoặc chuẩn bị ghép thận.
|