Suy thận mạn là bệnh lý tiến triển âm thầm, các triêu chứng biểu hiện muộn. Bên cạnh đó hiện nay không có phương pháp nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh suy thận do đó việc phòng ngừa suy thận là hết sức quan trọng đặc biệt với những đối tượng có các bệnh lý nguy cơ như: đái tháo đường, tăng huyết áp, lupus ban đỏ, hay những người sử dụng các thuốc độc với thận dài ngày.
Các bệnh lý nguy cơ dẫn tới suy thận mạn
Đái tháo đường
Đái tháo đường đang được xác định là chiếm tỉ lệ lớn trong các nguyên nhân gây suy thận mạn, đặc biệt ở các nước đang phát triển, và tỉ lệ này đang có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam. Bên cạnh biến chứng suy thận mạn, tiểu đường còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm khác lên tim mach, mắt, thần kinh,…
Tăng huyết áp
Những người có bệnh lý tăng huyết áp nếu không được kiểm soát huyết áp tốt, lâu ngày sẽ dẫn tới suy thận.
Các bệnh lý tại thận
Sỏi thận, viêm cầu thận,… là những bệnh lý mà nếu không điều trị tốt có thể gây biến chứng suy thận mạn. Do vậy khi mắc các bệnh lý này cần điều trị dứt điểm, kip thời.
Sử dụng các thuốc độc với thận
Khi sử dụng các nhóm thuốc bài tiết qua thận gây độc cho thận như thuốc, hóa chất điều trị ung thư, kháng sinh nhóm aminosid, thuốc kháng lao, thuốc cản quang,… có thể gây ngộ độc cho thận từ đó làm suy giảm chức năng thận, dẫn tới suy thận.
Bên cạnh đó nhiều yếu tố khác như: chấn thương nặng, tuổi cao, lối sống thiếu khoa học,… cũng có thể là yếu tố nguy cơ dẫn tới suy thận mạn. Vậy phòng ngừa suy thận mạn như thế nào?
Biên pháp phòng ngừa suy thận mạn
- Với những người có các bệnh lý nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường thì cần kiểm soát tốt huyết áp, kiểm soát tốt đường huyết.
- Hạn chế bia rượu và thuốc lá.
- Chế độ dinh dưỡng: nên hạn chế ăn muối, chất béo, nên ăn nhiều cá, rau củ quả. Nên tham khảo các loại thực phẩm ít muối như củ hành, tiêu, chanh, gừng, trái cây,….
- Uống nước đúng cách: Lưu ý uống đủ nước, khoảng 2- 3 lít nước một ngày tùy theo điều kiện thời tiết và mức độ vận động.
- Tập luyện: thể dục thể thao đều đặn
- Khám sức khỏe: nên đi khám chuyên khoa thận tiết niệu để làm các xét nghiệm máu, đánh giá chức năng thận định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/ lần.