Số người mắc bệnh suy thận mạn ngày càng tăng

Tại Việt Nam, số bệnh nhân suy thận mạn đã lên tới 8 triệu người. Đặc biệt, con số này ngày càng tăng nhanh cùng với tốc độ phát triển của các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm cầu thận, tim mạch… 

Suy thận mạn tính là tổn thương không phục hồi của các đơn vị thận, làm giảm dần chức năng thận. Người bị suy thận mạn tính có nguy cơ tử vong cao gấp 5 lần so với bình thường. Triệu chứng bệnh có thể chỉ xuất hiện khi chức năng thận còn lại 1/10. Do đó, việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ làm chậm tiến triển của bệnh, bảo vệ, cải thiện chức năng thận.

Để ngăn chặn sự tiến triển của suy thận mạn, bệnh nhân cần ăn nhạt, hạn chế thức ăn giàu đạm, ưu tiên sử dụng nguồn đạm chất lượng cao như thịt gia cầm, thịt nạc thăn, sữa…; không nên lạm dụng thực phẩm có chứa hàn the, phẩm màu công nghiệp; uống đủ nước mỗi ngày để giúp thận lọc chất độc, cặn bã ra ngoài… Tuy nhiên, nếu bệnh nhân ở giai đoạn suy thận nặng, tiểu ít thì lượng nước uống hàng ngày cần phải cân đối với lượng nước tiểu.

 Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể được điều trị theo hướng bảo tồn bằng chế độ dinh dưỡng, dùng thuốc, điều trị nguyên nhân. Ở giai đoạn cuối của suy thận mạn thì cần thiết phải phối hợp giữa điều trị bảo tồn với chạy thận, ghép thận.