Suy thận là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 9 ở các quốc gia trên thế giới. Còn tại Việt Nam, số lượng bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối là 800.000 người và có tốc độ gia tăng chóng mặt. Trong đó, có đến 40% các trường hợp bị suy thận là do biến chứng tiểu đường. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh tiểu đường có nguy cơ phải đối mặt với sự tàn phế và tử vong do suy thận. Để hiểu rõ hơn, hãy theo dõi nội dung có trong bài viết dưới đây nhé!

Tại sao tiểu đường là nguyên nhân dẫn đến suy thận?

Cơ thể mỗi người đều có 2 quả thận đóng vai trò như bộ lọc, giữ máu “sạch” ở lại và đưa các chất độc hại (như ure, amoniac) ra ngoài theo đường nước tiểu. Suy thận là sự suy giảm các chức năng của thận. Lúc này, thận yếu đi, thậm chí ngừng hoạt động khiến máu không được lọc và chất thải độc hại bị tích trữ trong cơ thể, gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Các bệnh về thận thường do nhiều yếu tố gây ra. Trong đó, biến chứng tiểu đường dẫn đến suy thận chiếm tỷ lệ khá cao. Tại Mỹ, có tới 40% các trường hợp bị suy thận do biến chứng của tiểu đường.  Vậy tại sao tiểu đường là nguyên nhân gây suy thận?

Giáo sư Anthony Komaroff, công tác tại Đại học Y Harvard (Mỹ) cho biết: Thận biết phân biệt độc tố để đào thải ra ngoài qua nước tiểu và giữ lại các thành phần quan trọng như protein cũng như nhiều chất hữu ích khác. Bình thường, máu chảy vào thận thông qua động mạch thận, trong đó có vô vàn các mạch máu nhỏ. Khi đường huyết tăng cao sẽ khiến các mao mạch ở thận bị tổn thương, lớp lót trong cùng của mạch máu cũng trở nên dày hơn và dần biến dạng, làm cản trở khả năng lọc máu. Ngoài ra, khi đường huyết tăng cao, cơ thể luôn “nhờ” thận lọc bớt đường qua nước tiểu khiến chúng phải làm việc ngày đêm, lâu dần trở nên suy yếu.

Đường huyết cao có thể làm tăng lượng chất hóa học trong thận - những chất có xu hướng phá hủy cầu thận, khiến albumin bị rò rỉ vào trong nước tiểu. Thêm vào đó, tăng lượng đường huyết có thể làm cho protein trong cầu thận liên kết chéo với nhau tạo thành các mô sẹo. Nếu tình trạng trở nên xấu hơn, các mô sẹo này sẽ dần thay thế cho những tế bào thận khỏe mạnh. Kết quả là thận trở nên yếu hơn và dần không còn khả năng thực hiện chức năng lọc máu. Những người bị suy thận giai đoạn cuối sẽ cần phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống. Trong một số trường hợp, họ có thể được ghép thận, nhưng chi phí thực hiện khá tốn kém và hầu hết phải chờ một thời gian dài để tìm được thận phù hợp.

Cần làm gì để ngăn ngừa biến chứng suy thận ở bệnh nhân tiểu đường?

Biến chứng suy thận do tiểu đường rất nguy hiểm vì chúng diễn tiến âm thầm, dễ dẫn đến giai đoạn cuối khiến người bệnh phải điều trị thay thế thận (lọc máu chu kỳ, ghép thận,…) với chi phí cao. Vì thế, nhiều người đặt ra câu hỏi là: Phải làm sao để phòng ngừa biến chứng suy thận cho bệnh nhân tiểu đường?

Để phòng ngừa biến chứng suy thận do tiểu đường, người bệnh nên:

Ổn định huyết áp và lượng đường huyết

Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) khuyên rằng, nên đo nồng độ albumin và ước tính mức lọc cầu thận (GFR) cho: Người mắc tiểu đường tuýp 1 trong 5 năm trở lên; Người bị tiểu đường tuýp 2; Tất cả những người mắc bệnh tiểu đường bị huyết áp cao. Đề xuất này nhằm hạn chế ở mức tối đa biến chứng tiểu đường gây suy thận.

Kiểm soát đường huyết ở mức an toàn, ổn định là mục tiêu tiên quyết để phòng ngừa biến chứng về thận và ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn. Huyết áp cũng nên giữ ở mức là ≤ 120/80 mmHg, cần duy trì uống thuốc đủ liều và liên tục. Giữ đường huyết ổn định trong giới hạn cho phép (dưới 7 mmol/l khi đói và dưới 10 mmol/l sau ăn 2 giờ).

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học

- Hạn chế các thực phẩm giàu tinh bột (cơm, bún, miến, khoai, ngô, sắn,…) và nhiều đường (bánh kẹo ngọt, hoa quả sấy khô, nước ép trái cây,…).

- Tăng cường rau xanh và trái cây ít ngọt.

- Ăn nhạt, cắt giảm các loại thức ăn chứa nhiều natri như: Đồ chế biến sẵn (thịt xông khói, xúc xích, snack), củ quả muối (dưa cà muối, kim chi), gia vị (nước mắm, nước tương, sốt BBQ).

- Kiểm soát lượng đạm trong thực đơn hàng ngày theo chỉ định của chuyên gia.

- Duy trì trọng lượng khỏe mạnh, tránh thừa cân.

- Hạn chế chất kích thích như: Rượu, bia, thuốc lá, cà phê.

- Tập luyện thể thao thường xuyên với các bộ môn vừa sức như: Đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga. Cần duy trì tập theo nguyên tắc đều đặn và tránh luyện tập với cường độ cao hay quá sức.