Đây là thông tin được PGS-TS-BS Phạm Văn Bùi - Tổng Thư ký Hội Niệu - Thận học TPHCM - đưa ra tại Hội thảo khoa học: Chiến lược điều trị suy thận mạn được tổ chức vào sáng ngày 3.7 tại TPHCM.
Tính đến nay, tại VN, số người mắc suy thận mạn tính ước tính lên đến con số 8 triệu người.
Cũng theo PGS-TS Phạm Văn Bùi cho biết, tại VN, số bệnh nhân suy thận mạn tính đang gia tăng nhanh cùng với tốc độ gia tăng của một số bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, viêm cầu thận, thiếu máu...
Suy thận mạn tính là một tổn thương không phục hồi của các đơn vị thận, làm mất dần chức năng thận. Bệnh không thể chữa khỏi và thường diễn tiến âm thầm. Người bị suy thận mạn tính sẽ tăng 34% nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ, đồng thời có nguy cơ tử vong cao gấp 5 lần so với người bình thường.
Triệu chứng của suy thận có thể chỉ xuất hiện khi chức năng thận còn lại 1/10 so với mức bình thường. Do đó, phát hiện sớm suy thận có ý nghĩa lớn trong việc phòng ngừa bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn. Biểu hiện đặc trưng của bệnh như: Sưng phù, mệt mỏi, xanh xao, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, tiểu nhiều, tăng creatinin huyết hoặc protein niệu...
Nguyên nhân gây bệnh như: 40% do đái tháo đường, 30% do tăng huyết áp, 10% do viêm cầu thận, ngoài ra còn do sỏi thận, lupus ban đỏ, thận bẩm sinh, suy tim và cũng có thể là hậu quả của việc dùng lâu dài thuốc gây độc tính cao với thận.
Do đó, việc phát hiện sớm để điều trị sẽ làm chậm diễn tiến của bệnh, bảo vệ, cải thiện chức năng thận, chậm tiến trình suy thận, giảm nhu cầu chạy thận trong xã hội. Theo PGS- TS Nguyễn Thị Bay - Trưởng khoa nội Y học cổ truyền BV ĐH Y Dược TPHCM: Để làm chậm tiến triển của suy thận mạn tính cần có chế độ ăn hạn chế đạm, ít muối, kiểm soát tốt huyết áp, ngăn chặn các yếu tố thúc đẩy tiến triển bệnh như thuốc lá, dùng thuốc và dược chất không hợp lý, tăng acid urid, RP lipid máu, tiểu đường, có thai...
Người dân có thể phát hiện bệnh sớm với các triệu chứng như phù (chân, xung quanh mắt), mệt mỏi, xanh xao, đau đầu, buồn nôn (do thiếu máu và tích lũy chất cặn bã trong cơ thể), đi tiểu thường xuyên (đặc biệt là về đêm), tăng creatinin huyết hoặc protein niệu, tăng huyết áp, tăng kali máu, giảm erythropoietin, nhiễm nitơ và urê máu, đau lưng...
Theo các chuyên gia về thận tiết niệu, chế độ ăn uống giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh này như: Không nên ăn quá nhiều những thức ăn chứa nhiều canxi như nghêu, sò, tôm, cua... vì canxi có thể kết tinh thành sỏi thận.
Những thức ăn có nhiều acid oxalic cũng nên hạn chế (chất này có trong rau dền, rau muống, cải bó xôi...). Đặc biệt, ăn mặn sẽ dẫn tới cơ thể hấp thu nhiều muối, làm rối loạn cân bằng nước trong cơ thể. Đối với những người cao huyết áp, lại càng không nên ăn quá mặn, bởi huyết áp cao sẽ làm tổn thương các mạch máu, ngăn cản mạch máu loại trừ các chất cặn bã.
Uống nhiều nước là biện pháp hiệu quả để giúp thận lọc chất độc, cặn bã có thể tạo thành sỏi thận ra ngoài tốt hơn. Bác sĩ cũng khuyến cáo, không nên thấy khát mới uống nước, mỗi ngày một người nên uống ít nhất từ 1,5 - 2 lít nước đã được nấu chín. Ngoài ra, không nên dùng nhiều thức uống lợi tiểu như trà, cà phê vì có nguy cơ làm mệt thận, tạo sỏi thận.