Suy thận có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể có nhóm nguyên nhân tại thận, có nhóm nguyên nhân ngoài thận, trong nhóm các bệnh lý ngoài thận gây ra suy thận, cần phải kể đến hàng đầu là đái tháo đường, tăng huyết áp, và các bệnh tim mạch.

Bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận

Bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu của suy thận. Trong thực tế, 44% người phải chạy thận bị suy thận do đái tháo đường. Tiểu đường gây tổn thương cho chức năng của thận. Sự tổn thương này có thể xảy ra một cách từ từ, trong nhiều năm, mà bệnh nhân không cảm nhận thấy được. Đó là lý do tại sao các bác sĩ thường kiểm tra chức năng thận cho những bệnh nhân tiểu đường. Bệnh tiểu đường cả type 1 và 2 đều có thể gây ra suy thận.

Tăng huyết áp và bệnh suy thận

Tăng huyết áp là nguyên nhân đứng thứ hai dẫn đến suy thận. Áp lực máu cao trong lòng mạch có thể gây hại cho chức năng thận. Cũng giống như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp gây phá hủy chức năng thận một cách từ từ, diễn biến có thể trong nhiều năm, bệnh nhân không cảm nhận được, đến khi phát hiện ra thì đã bị suy thận, thậm chí giai đoạn muộn.

Đối với các bệnh nhân bị tăng huyết áp, ngoài việc thường xuyên kiểm soát huyết áp, còn cần phải kiểm tra chức năng thận để có điều chỉnh và biện pháp kịp thời.

Sử dụng các thuốc gây hại cho thận

Những người đang phải điều trị bằng thuốc, sử dụng trong thời gian kéo dài là nhóm có nguy cơ bị suy thận cao. Một số thuốc gây hại cho thận như nhóm kháng sinh aminosid có tỷ lệ gây độc thận cao với các biểu hiện: tăng cao đột ngột urê huyết. Thuốc gây độc nhiều nhất là neomycin nhưng neomycin hiện nay thường chỉ dùng dưới dạng phối hợp trong các dung dịch hay thuốc mỡ hay nhỏ mắt. Thuốc hiện nay hay dùng là gentamycin và tobramycin, đặc biệt gentamycin thường bị lạm dụng nhiều. Gentamycin là kháng sinh có khoảng cách giữa liều điều trị và liều độc hẹp, và ít được chuyển hóa, có tới 70% bài tiết qua thận dưới dạng nguyên chất. Ở người bệnh suy thận, người già, trẻ nhỏ, chu kỳ bán hủy kéo dài, thuốc tích lũy lại ở thận tuy có mức độ nhưng có thể gây ra ngộ độc thận. Nguy cơ ngộ độc cho thận thường xảy ra cao hơn ở người huyết áp thấp hoặc người có bệnh gan hoặc ở nữ giới, nên phải giảm liều.Thuốc có thể đi qua nhau thai, qua sữa mẹ, vì vậy không dùng được cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Tóm lại, hầu hết thuốc cả kể dùng đường uống, thuốc tiêm, đôi khi cả thuốc dùng ngoài đều đào thải qua thận dưới dạng biến đổi hay không biến đổi. Do vậy trước hoặc sau khi dùng thuốc cần phải xem xét độ thanh thải creatin của mỗi người để chọn và điều chỉnh liều thích hợp.