Suy thận là một bệnh lý với các triệu chứng xuất hiện rất muộn, thường chỉ xuất hiện khi chức năng thận còn khoảng 10- 15%, do đó nếu không được đi khám bệnh định kỳ, có thể khi phát hiện ra bệnh suy thận thì đã ở giai đoạn muộn, lúc này việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.

 

Bác sĩ Nguyễn Thu Hương, Trưởng khoa Thận - Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nhiều người nghĩ chỉ người lớn mới bị suy thận, thực tế không hiếm trẻ nhỏ đã bị suy thận. Nguyên nhân gây bệnh ở trẻ cũng khác với người lớn, phổ biến nhất là do các dị tật bẩm sinh như thận đa nang, van niệu đạo sau. Ngoài ra, các bệnh viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mãn, hội chứng thận hư, viêm cầu thận lupus... cũng gây suy thận.

 

Theo bác sĩ Hương, nhiều trẻ chỉ đến viện khi đã suy thận ở giai đoạn cuối, thận teo nhỏ. Trước đó, trẻ không hề có biểu hiện bệnh, đến lúc có biểu rõ ràng như thiếu máu, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, vô niệu, huyết áp cao... thì đã muộn. Khi đó, phương pháp điều trị tối ưu chỉ có thể là ghép thận. 

 

"Đa phần những trường hợp phát hiện sớm bệnh là do cha mẹ đưa con đi khám dinh dưỡng vì thấy con còi cọc, chậm lớn, da xanh xao, thiếu máu. Đến khi làm xét nghiệm nước tiểu, siêu âm thận mới phát hiện ra thận đã bị suy", bác sĩ Hương nói. 

 

Để phòng ngừa bệnh suy thận ở trẻ, việc phát hiện sớm bé mắc bệnh thận sẽ giúp giảm biến chứng và di chứng, làm chậm hoặc ngăn ngừa biến chứng suy thận. Có trường hợp, cha mẹ biết bệnh của con nhưng không tuân thủ điều trị dẫn đến suy thận.

 

Chẳng hạn, hội chứng thận hư là một bệnh tự miễn, hay gặp ở trẻ. Trừ thể kháng thuốc thì đến 70-80% bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh hay tái đi tái lại, thậm chí sau khi ngừng thuốc phải theo dõi 10 năm nếu không thấy tái phát thì mới khẳng định là khỏi. Nhiều cha mẹ nghĩ không chữa khỏi nên không cho con điều trị tiếp mà đi uống thuốc nam, thuốc bắc. Sau một thời gian, quay lại bệnh viện khám thì con đã bị suy thận giai đoạn cuối, bác sĩ Hương khuyến cáo. 

 

Theo chuyên gia, ở lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học, cha mẹ thấy con có một số biểu hiện còi cọc, chậm tăng cân, da xanh xao, phù... có thể đưa đi xét nghiệm protein niệu. Một số trường hợp có thể đo huyết áp để phát hiện sớm suy thận. Khi trẻ bị suy thận, phụ huynh cần tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn uống và dùng thuốc, tham vấn của bác sĩ chuyên khoa thận trẻ.