Huyết áp chính là áp lực máu đẩy vào thành mạch sau khi được bơm khỏi tim, và huyết áp cao theo cách thường gọi, chính là bệnh tăng huyết áp, là sự gia tăng áp lực của máu di chuyển khắp cơ thể. Tăng huyết áp và suy thận là hai bệnh có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy thận. Và ngược lại suy thận làm tăng huyết áp.

Tăng huyết áp và suy thận gây ra triệu chứng gì?

Hầu hết những người bị tăng huyết áp nhẹ hoặc mới giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Trong các trường hợp nặng, tăng huyết áp có thể gây ra đau đầu. Bệnh suy thận cũng thường không có triệu chứng khi ở trong giai đoạn đầu. Triệu chứng sưng phù xảy ra khi thận không đảm nhiệm tốt vai trò lọc bỏ lượng nước dư thừa và muối. Phù nề thường có thể xảy ra ở chân, bàn chân, hoặc mắt cá chân và ít gặp hơn các vị trí ở tay hoặc mặt. Khi suy thận đã chuyển sang giai đoạn muộn hơn nữa, các triệu chứng có thể bao gồm: mất cảm giác ngon miệng, thèm ăn, thường xuyên buồn nôn, nôn, buồn ngủ và hay cảm thấy mệt mỏi, thường khó tập trung, khó ngủ, số lần đi tiểu tăng lên hoặc có thể giảm đi, ngứa ngáy, da khô, đau đầu, giảm cân, bị chuột khó thở, tức ngực, thiếu máu, da xanh, đau lưng…

Bệnh tăng huyết áp gây suy giảm chức năng thận như thế nào?

Tăng huyết áp có thể làm hư hỏng các mạch máu trong thận, và làm giảm khả năng làm việc của các mạch máu này. Khi áp lực của máu tăng cao, mạch máu căng ra để máu chảy được dễ dàng hơn. Điều này kéo dài sẽ dần làm suy yếu tất cả các mạch máu trong cơ thể, bao gồm cả những mạch máu tại thận. Và khi các mạch máu của thận bị tổn thương, nó sẽ làm suy giảm khả năng loại bỏ các chất thải và nước dư thừa ra khỏi cơ thể, việc này lại làm tăng thêm chất lỏng trong các mạch máu và ngược lại càng làm tăng huyết áp nhiều hơn, tạo ra một vòng bệnh lý luẩn quẩn nguy hiểm. Theo thống kê, tăng huyết áp là nguyên nhân thứ hai dẫn đến suy thận ở Hoa Kỳ chỉ đứng sau căn bệnh tiểu đường.