Ở Việt Nam, đa số bệnh nhân suy thận mạn được chẩn đoán muộn, có tới 67% bệnh nhân đến viện phải lọc máu ngay do bệnh đã ở giai đoạn cuối. Bởi vậy, việc nhận biết các dấu hiệu của suy thận như sưng phù, xanh xao, thiếu máu,… đặc biệt là tiểu nhiều có vai trò quan trọng trong chẩn đoán sớm và điều trị bảo tồn, giúp làm chậm tiến trình suy thận.
Suy thận có thể diễn tiến chậm đến nỗi triệu chứng chỉ xuất hiện khi chức năng thận chỉ còn lại 1/10 so với mức bình thường. Bệnh nhân suy thận có một số dấu hiệu như: phù, thiếu máu, mệt mỏi, xanh xao, đau đầu, mất tập trung, mất ngủ, sau đó là chán ăn, buồn nôn, tiểu nhiều, xét nghiệm thấy tăng urê, tăng creatinin huyết hoặc protein niệu... Để lâu sẽ dẫn đến các biến chứng tim mạch như viêm màng ngoài tim, suy tim sung huyết và cao huyết áp.
Một trong những triệu chứng cảnh báo suy thận đó là tiểu nhiều. Tiểu nhiều có thể về thể tích (đa niệu, tiểu trên 2,5 lít trong 24 giờ) hoặc về số lần đi tiểu (tiểu thường xuyên). Người bình thường có thể đi tiểu 4-8 lần mỗi ngày. Nếu đi tiểu trên tám lần một ngày hoặc phải thức giấc để đi tiểu hơn một lần trong đêm thì được xem là tiểu nhiều. Mặc dù bàng quang có thể giữ được 600ml nước tiểu, nhưng cảm giác muốn tiểu xảy ra khi có khoảng 150ml nước tiểu trong bàng quang.
Bệnh nhân suy thận có thể xuất hiện triệu chứng đi tiểu đêm, số lượng nước tiểu ban đêm thường nhiều hơn ban ngày. Trong suy thận mạn, thông thường bệnh nhân vẫn giữ được lượng nước tiểu từ 500- 800ml/24 giờ cho đến khi suy thận giai đoạn 4. Do đó. khi có dấu hiệu đi tiểu quá nhiều lần trong ngày hay lượng nước tiểu trên 2,5l/24 giờ thì chúng ta nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa thận – tiết niệu để được đánh giá chức năng thận.
Việc điều trị suy thận được tiến hành theo hướng bảo tồn, đến giai đoạn suy thận nặng, người bệnh cần can thiệp bằng phương pháp điều trị thay thế như: lọc máu, ghép thận. Xu hướng chung là điều trị dự phòng nhằm kéo dài thời gian suy thận nhẹ và vừa. Lọc máu là giải pháp để loại bỏ các chất thải độc hại tích tụ trong máu. Ghép thận là phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, tuy nhiên, nguồn thận ghép rất hiếm và chi phí cao khiến tỷ lệ bệnh nhân được ghép thận không đáng kể.