Sinh dục phát triển kém là một trong những hậu quả nặng nề mà chứng suy thận mạn gây ra cho trẻ em. Khoảng một nửa số trẻ mắc bệnh này có chiều cao dưới mức bình thường, cơ thể ít biến đổi khi bước vào tuổi 15.

 

 

Trẻ em sử dụng 50% khả năng phát triển của mình trong 2 năm đầu đời. Bất kỳ bệnh gì gây ra những rối loạn trong giai đoạn này đều tác động lớn đến sự phát triển của trẻ suốt cả cuộc đời.

Trên 2 tuổi, sự phát triển của trẻ suy thận mạn tương đương với các trẻ bình thường; nhưng đến tuổi thiếu niên, bệnh sẽ ảnh hưởng tới quá trình tuổi dậy thì, nhất là trong giai đoạn suy thận mạn đang tiến triển. Hậu quả là 50% bệnh nhi đến tuổi 15 có tầm cao dưới mức bình thường (sự chậm lớn này xảy ra ở nam nhiều hơn nữ). Nhưng nếu các cháu được chăm sóc tốt thì sau đó, tỷ lệ trên chỉ còn 25%.

Trong chăm sóc trẻ suy thận mạn, cần chú trọng việc cung cấp năng lượng vì trẻ thường chán ăn. Hiện nay các nhà thận học và dinh dưỡng trên thế giới đều nhất trí với mức cung cấp đạm 1-2 g/kg thể trọng mỗi ngày. Liều lượng này giúp tránh thiểu dưỡng mà không làm tổn thương chức năng của thận.

Việc cung cấp nước và điện giải cũng cần được lưu ý đặc biệt. Bệnh suy thận mạn thường gây hiện tượng “toan chuyển hóa” cản trở sự trưởng thành. Với trẻ mắc bệnh này, lượng nước đưa vào phải tương đương lượng nước tiểu thải ra trong ngày. Nên cho các cháu thêm nhiều hoa quả tươi.

Thiểu dưỡng xương là một biến chứng hay gặp của suy thận mạn, nếu không được hỗ trợ điều trị sẽ dẫn tới biến dạng xương, loãng xương. Hoóc môn cận giáp trạng có thể giúp xương phát triển. Đối với người suy thận mạn, lượng hoóc môn này phải gấp 2-3 lần bình thường để kích thích tế bào sụn. Những trẻ này cần dùng đủ vitamin D, nhưng nếu quá liều sẽ dẫn tới thiếu hụt hoóc môn cận giáp trạng, ngăn chặn sự phát triển của xương.

Tất cả các trẻ suy thận mạn đều thiếu máu, da thịt xanh xao nhợt nhạt, biếng ăn và suy nhược. Có thể hỗ trợ điều trị bằng cách dùng EPO tiêm tĩnh mạch, tiêm dưới da hoặc tiêm vào ổ phúc mạc.