Thận lọc các chất thải và dịch dư thừa từ máu, sau đó bài tiết ra ngoài qua nước tiểu. Suy thận là tình trạng thận bị tổn thương, không thực hiện các chức năng vốn có, dẫn đến dịch và chất thải tích tụ trong cơ thể. Suy thận có thể tiến triển đến giai đoạn cuối, làm tăng nguy cơ tử vong nếu không lọc máu hoặc ghép thận kịp thời. Điều trị suy thận tập trung vào việc làm chậm sự tiến triển của bệnh, thường bằng cách kiểm soát các nguyên nhân và triệu chứng. Hiện nay, có khá nhiều loại thuốc tây điều trị suy thận. Hãy cùng tìm hiểu ưu, nhược điểm của chúng trong bài viết dưới đây.

Các loại thuốc tây điều trị suy thận và đặc điểm của chúng

Điều trị suy thận nhằm mục tiêu giảm tốc độ tiến triển của bệnh, cải thiện các biểu hiện và triệu chứng như: Buồn nôn, phù nề, rối loạn tiêu hóa, thiếu máu,... Tùy theo mức độ suy thận sẽ có cách điều trị khác nhau. Các loại thuốc tây điều trị suy thận thường dùng là:

Furosemide là thuốc tác dụng ở nhánh lên của quai Henle, vì vậy được xếp vào nhóm thuốc lợi tiểu quai, dùng trong các trường hợp: Phù phổi cấp; phù do tim, gan, thận và các loại phù khác; tăng huyết áp khi có tổn thương thận; tăng calci huyết.

Tuy nhiên, Furosemide có thể làm giảm thể tích máu trong trường hợp liệu pháp điều trị liều cao; Hạ huyết áp thế đứng; Giảm kali huyết, giảm natri huyết, giảm magnesi huyết, giảm calci huyết, tăng acid uric huyết, nhiễm kiềm do giảm clor huyết. Các tác dụng phụ ít hoặc hiếm gặp khác là:

- Buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa.

- Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt.

- Ban da, viêm mạch, dị cảm.

- Tăng glucose huyết, glucose niệu.

- Ù tai, giảm thính lực có hồi phục (ở liều cao).

- Dấu hiệu mất cân bằng điện giải bao gồm đau đầu, tụt huyết áp và chuột rút, hay xảy ra khi dùng liều cao, kéo dài, cần kiểm tra thường xuyên điện giải đồ. Việc bổ sung kali hoặc dùng kèm với thuốc lợi tiểu giữ kali có thể được chỉ định cho người có nguy cơ cao phát triển hạ kali huyết.

- Việc sử dụng thuốc lợi tiểu mạnh như furosemid có thể gây ra thiếu máu cục bộ ở não. Vì vậy, không dùng để điều trị chống tăng huyết áp cho người cao tuổi.

Erythropoietin (thiếu máu)

Erythropoietin là sản phẩm sử dụng kỹ thuật sinh học DNA. Erythropoietin dùng trong trường hợp thiếu máu do suy thận, kể cả ở người đã hay chưa phải chạy thận nhân tạo; Thiếu máu do ung thư, do hóa trị gây thiếu máu; Thiếu máu do các nguyên nhân khác như AIDS, viêm khớp dạng thấp, hội chứng loạn sản tủy, trẻ sinh non,… giúp giảm nhu cầu truyền máu. Thuốc dung nạp tốt, an toàn, ít tác dụng phụ, thuận tiện với dung dịch sẵn sàng để tiêm.

Calcitriol (loãng xương)

Calcitriol đóng vai trò chủ chốt trong sự điều hòa bất biến nội môi của calci, đồng thời kích thích sự tạo xương. Ở người bị suy thận nặng, sự tổng hợp calcitriol nội sinh giảm và có thể ngưng hoàn toàn. Thiếu calcitriol trong trường hợp này là nguyên nhân chính gây loạn dưỡng xương do thận. Ở người bị loãng xương do thận, Rocaltrol uống làm bình thường hóa sự hấp thu calci vốn đã bị suy giảm ở ruột, điều chỉnh tình trạng hạ calci huyết và các nồng độ cao trong huyết thanh của phosphatase kiềm cũng như hormone cận giáp. Rocaltrol làm giảm các chứng đau xương và cơ, điều chỉnh tình trạng sai lệch về mô học ở bệnh viêm xương xơ hóa và rối loạn khác của sự khoáng hóa.

Calcitriol là một trong những chất chuyển hóa chính có hoạt tính của vitamine D, do đó không nên phối hợp thêm với vitamine D hay các dẫn xuất, nhằm tránh tác dụng cộng lực có thể xảy ra với nguy cơ tăng calci huyết. Nên thực hiện tốt lời khuyên của chuyên gia về chế độ ăn uống, chủ yếu các thức ăn có thể cung cấp nhiều calci, tránh dùng các thuốc có chứa calci. Dùng đồng thời với thuốc lợi tiểu thiazide làm tăng nguy cơ tăng calci huyết ở người bị thiểu năng tuyến cận giáp. Ở những người đang được điều trị bằng digitalis, nên xác định liều calcitriol một cách cẩn thận, do tăng calci huyết có thể phát động loạn nhịp.

Rocaltrol không gây một tác dụng ngoài ý muốn nào nếu không dùng quá nhu cầu của cơ thể. Tuy nhiên, cũng như vitamine D, nếu dùng Rocaltrol liều quá cao có thể gây những tác dụng phụ như khi quá liều vitamine D: hội chứng tăng calci huyết hoặc ngộ độc calci, tùy theo mức độ và thời gian tăng calci huyết. Nếu đồng thời bị tăng calci huyết và tăng phosphate huyết (> 6 mg/100 ml, hay > 1,9 mmol/l) có thể sẽ gây vôi hóa các phần mềm, có thể nhận thấy qua tia X.