PGS.TS Trần Đình Toán, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Hữu Nghị cho biết, có nhiều kiểu bệnh ở thận nhưng nhìn chung, phổ biến là bệnh viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn và suy thận (suy thận có thể do viêm cầu thận gây nên, hoặc sỏi thận, nang ở thận…). Nhìn chung, khi thận yếu sẽ đào thải kém; sự ứ đọng sẽ gây tăng protein máu. Vì vậy, người bệnh phải uống thuốc lợi tiểu để tăng đào thải chất độc. Thậm chí, khi chức năng thận không tốt, phải lọc máu hoặc thay thế quả thận.

Tùy nguyên nhân gây suy thận mà việc uống nước sẽ như thế nào. Nguyên tắc chung là nước phải đủ cho cơ thể (mỗi người trung bình cần 2,5 lít nước/ngày). Nếu nước tiểu ít, phải truyền nước, uống nhiều nước. Còn nếu bị đái tháo nhạt, tức là bị bệnh lý tiểu nhiều (bệnh do tuyến yên từ trên đầu gây ra) thì cũng sẽ có mức bổ sung nước phù hợp tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Giai đoạn suy thận nặng, thường thầy thuốc sẽ yêu cầu bệnh nhân hạn chế uống nước để đỡ gánh nặng cho thận, còn bình thường, việc uống nước sẽ theo nhu cầu, không cần quá nghiêm ngặt.

Là một chuyên gia về thận học, PGS Trần Văn Chất, Khoa Thận, BV Bạch Mai cho biết, trong một số trường hợp bệnh lý như phù to, suy thận cấp giai đoạn vô niệu, cần thực hiện liệu pháp dinh dưỡng hợp lý giữa hạn chế lượng natri và nước đưa vào cơ thể.

Nhìn chung, để đảm bảo người bệnh đủ nước, cần đảm bảo cân bằng nước vào và nước ra. Trong đó, lượng nước vào bao gồm nước uống, nước canh, lượng nước chuyển hóa thức ăn (khoảng 300ml/ngày) và dịch truyền. Lượng nước ra bao gồm: Nước tiểu trong 24h, lượng nước mất theo mồ hôi, hơi thở và phân (khoảng 500ml/ngày).

Sẽ là cân bằng nếu lượng nước vào bằng lượng nước ra. Nếu để lượng nước vào lớn hơn lượng nước ra sẽ gây phù, tăng huyết áp, suy tim. Còn nếu lượng nước vào nhỏ hơn lượng nước ra sẽ gây tình trạng mất nước (da nhăn nheo, hạ huyết áp và choáng).