Như chúng ta đã biết, chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp bảo tồn chức năng thận, kéo dài thời gian chưa phải chạy thận đồng thời giúp hạn chế biến chứng của bệnh suy thận mạn và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chậm diễn tiến đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

Dinh dưỡng cho người bị suy thận mạn

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cho người bệnh suy thận phòng ngừa và điều trị suy dinh dưỡng, điều chỉnh rối loạn chuyển hóa, làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Ít ai biết rằng, ở những bệnh nhân suy thận, tỉ lệ suy dinh dưỡng khá cao, chiếm 40%. Đặc điểm suy dinh dưỡng do giảm hấp thu protein, bệnh nhân suy thận mạn béo phì vẫn có thể bị suy dinh dưỡng do bị giảm khối cơ xương. Nguyên nhân là do người bệnh ăn vào không đầy đủ dưỡng chất: do chứng chán ăn, nôn ói, kiêng khem, kiêng quá nhiều protein…

Ở những người suy thận thường bị rối loạn chuyển hóa, toan chuyển hóa, nhiễm độc urê, hội chứng viêm, rối loạn hormon: tăng cortisol, giảm hoạt tính insulin, giảm erythropoietin, bệnh đường tiêu hóa…

Nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân suy thận

Với các bệnh nhân suy thận chưa chạy thận, nhu cầu năng lượng thông thường là: 35 – 45kcal/kg/ngày. Chất đạm là 0,8g/kg cân nặng lý tưởng. Nhu cầu chất đạm của bệnh nhân tùy thuộc vào độ nặng của bệnh.

Lợi ích của việc giảm, hạn chế đạm trong khẩu phần: làm giảm ứ đọng các sản phẩm thải  trong cơ thể, hạn chế các biến chứng như tăng urê máu, giảm các triệu chứng như nôn ói, mệt mỏi, chán ăn, ngứa da… và làm chậm tiến triển đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

Người bệnh suy thận nên ăn gì và không nên ăn gì?

Các thực phẩm nên ăn

Trong nhóm chất bột đường: chất bột ít đạm như gạo xay trắng, miến, bột sắn dây, khoai lang, khoai sọ, với bệnh nhân suy thận mãn kèm bệnh đái tháo đường, cần chọn thực phẩm có chỉ số đường thấp, trung bình như khoai sọ, bún, bánh canh, bánh cuốn, khoai lang…

Nhóm chất đạm: nên ăn đa dạng và chú ý đạm giá trị sinh học cao (thịt, cá, sữa, trứng). Nếu bệnh nhân kèm rối loạn mỡ máu nên hạn chế ăn trứng 3 quả/tuần, cách ngày, ăn thịt bò 1-2 lần/tuần, cá biển (cá hồi, trích, cá nục…) 2 lần/tuần. Lượng đạm tùy theo mức độ, giai đoạn suy thận. Nên chọn các loại sữa giảm đạm.

Nhóm chất béo: chọn dầu thực vật (dầu mè, nành, oliu…), mỡ cá. Với giai đoạn bệnh thận mạn nhẹ có thể ăn đa dạng rau, trái cây có màu xanh, màu đỏ, màu vàng, tím… Bệnh nhân có kèm theo bệnh đái tháo đường nên chọn trái cây có chỉ số đường thấp, trung bình như táo tây, cam, quýt, bưởi… với số lượng tùy mức kali máu.

Các thực phẩm cần hạn chế bao gồm muối: natri, kali, hạn chế các thực phẩm nhiều kali như nho khô, chuối khô, thanh long, bơ… rau lá đậm như rau ngót, rau đay, rau dền, rau muống, các loại đậu, với các bệnh nhân đái tháo đường nên hạn chế các thực phẩm chỉ số đường cao như bánh kẹo ngọt, tinh bột như gạo, khoai tây, ngô, miến…